26/03/2008 - 09:33

Quan hệ Anh-Pháp vào thời "trăng mật"

Thủ tướng Anh Brown (phải) trong chuyến thăm Pháp tháng 7-2007.

Hôm nay 26-3, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đến Luân Đôn, bắt đầu chuyến thăm Anh 2 ngày nhằm tăng cường quan hệ song phương. Nói đúng hơn, chuyến công du của ông Sarkozy sẽ tiếp tục làm ấm lại quan hệ Anh-Pháp, vốn rất lạnh nhạt dưới thời cựu Thủ tướng Tony Blair và cựu Tổng thống Jacques Chirac do những bất đồng giữa họ, mà chủ yếu là xung quanh việc Mỹ xâm lược Iraq.

Thời gian gần đây, Tổng thống Sarkozy công khai bày tỏ lòng “hâm mộ” đối với nước Anh. Ông Sarkozy cho rằng Pháp ngày càng có nhiều điểm tương đồng với Anh và Mỹ, đồng thời xem đây là 3 trung tâm tự do của thế giới (!?). Ông thậm chí còn tham dự một số lớp học tiếng Anh để có thể giao tiếp trong thời gian có mặt tại xứ sở sương mù. Theo báo chí phương Tây, Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Anh Gordon Brown có khá nhiều điểm giống nhau. Đó là cả hai đều từng làm Bộ trưởng Tài chính, cùng trở thành lãnh đạo đất nước vào mùa hè năm ngoái, từng được nhân dân kỳ vọng là sẽ có những chính sách canh tân đất nước. Và hiện nay, cả Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Brown đều đang gặp rất nhiều khó khăn, uy tín ở mức thấp nhất kể từ khi lên nắm quyền. Theo Jean-Pièrre Maulny, Phó giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Pháp tại Paris, ngoài việc cải thiện quan hệ với Luân Đôn, Tổng thống Sarkozy còn nhân chuyến công du này “tân trang” hình ảnh của mình như một chính khách thực thụ, đánh lạc hướng những chỉ trích trong nước về một số chuyện đời tư và khả năng điều hành kinh tế của ông.

Tại cuộc họp thượng đỉnh Anh-Pháp diễn ra vào ngày mai 27-3, Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Brown dự kiến sẽ thảo luận nhiều về hợp tác quốc phòng. Pháp muốn thông qua Anh để sớm tái gia nhập Bộ tư lệnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau 40 năm vắng bóng. Chương trình nghị sự cũng bao gồm việc xác định lại nhiệm vụ của NATO ở Afghanistan. Một số nguồn tin cho biết Pháp sẽ chi viện 1.000 binh sĩ tới Afghanistan để “chia lửa” với quân đội Anh tại mặt trận máu lửa này.

Về quan hệ kinh tế, hiện nay Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Anh trong khi Anh là nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài lớn nhất ở Pháp. Đặc biệt trong chuyến thăm này, hai bên sẽ ký thỏa thuận xây dựng một loạt nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới ở Anh và xuất khẩu công nghệ này đến toàn thế giới trong nỗ lực chống lại tình trạng biến đổi khí hậu do tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch. Anh hy vọng có thể tận dụng lợi thế chuyên môn của Pháp trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Điện hạt nhân công nghệ cao hiện đáp ứng 79% nhu cầu điện năng ở Pháp trong khi các nhà máy già cỗi và đang xuống cấp của Anh chỉ cung cấp 20% nhu cầu năng lượng cần dùng cho nước này.

• THANH TRÚC

(Theo AFP, Economist, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết