05/12/2009 - 10:25

Quan hệ Anh - Pháp lại hục hặc

Hôm qua 4-12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy buộc phải hủy kế hoạch tới Luân Đôn, sau khi Thủ tướng Anh Gordon Brown từ chối sắp xếp cuộc gặp với nhà lãnh đạo Pháp. Mục đích chuyến công du sang Anh của ông Sarkozy là nhằm xoa dịu dư luận xứ sương mù, vốn đang lo ngại các quy định về hệ thống tài chính theo mô hình do Pháp đề xướng sẽ được áp dụng vào các định chế tài chính của Anh. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Brown từ chối đề nghị hòa đàm, Paris trả đũa bằng việc chỉ trích cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua có phần xuất phát từ các chính sách của số 10 phố Downing.

Tổng thống Nicolas Sarkozy (trái) và Thủ tướng Anh Gordon Brown liệu còn có thể “kề vai sát cánh” trong thời gian tới? Ảnh: AFP 

Khẩu chiến giữa Luân Đôn và Paris bùng phát hồi đầu tuần này, sau sự kiện cựu Ngoại trưởng Pháp Michel Barnier được bổ nhiệm làm Cao ủy châu Âu về thị trường nội khối, trong đó có các dịch vụ tài chính. Khi vị trí được coi là nhạy cảm này thuộc về người Pháp, Tổng thống Sarkozy tuyên bố đây là một thắng lợi cho các ý tưởng về nguyên tắc của Pháp, và người Anh là “kẻ thất bại” trong cuộc chiến giành các vị trí phụ trách kinh tế hàng đầu trong Liên minh châu Âu (EU). Ông Sarkozy coi đây là thắng lợi của mô hình tài chính châu Âu lục địa trước mô hình “thị trường tự do Anglo-Saxon” của Luân Đôn. Tuyên bố này khiến dân Anh tức giận và tỏ ra rất thất vọng về cách hành xử của ông Sarkozy. Mặt khác, họ cũng lo ngại việc một người Pháp được làm Cao ủy châu Âu về thị trường nội khối sẽ khiến cho Luân Đôn dần mất đi ngôi vị “trung tâm tài chính của châu Âu” trong 5 năm tới.

Sự lo ngại của người Anh càng có cơ sở khi ông Sarkozy công khai ca ngợi vai trò của ông Barnier ở EU, dù các cao ủy EU khi nhận nhiệm sở đã được yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định không được phép nhận hay bị chi phối bởi bất cứ chỉ thị nào từ chính phủ của quốc gia nơi họ xuất thân, mà phải đại diện cho lợi ích của toàn thể EU. Căng thẳng càng leo thang khi Pháp và các nước EU khác buộc Anh đồng ý việc thành lập 3 định chế tài chính mới nhiều quyền lực ở EU là Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu (EBA), Cơ quan quản lý trợ cấp nghề nghiệp và bảo hiểm (EUOPA) và Cơ quan quản lý các thị trường và chứng khoán châu Âu (ESMA). Các bộ trưởng tài chính EU đã xúc tiến một thỏa thuận về vấn đề trên hôm 2-12 vừa qua.

Vì vậy, ông Sarkozy muốn tới Luân Đôn để giảng hòa, nhưng vấp phải sự phản ứng giận dữ từ Luân Đôn. Không có tâm trạng đón tiếp ông Sarkozy, số 10 phố Downing tuyên bố chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh dư luận phản ứng dữ dội như vậy sẽ chẳng có lợi gì cho mối quan hệ đã hục hặc hiện nay giữa Pháp và Anh.

N. MINH (Theo WSJ, FT, Maildaily)

Chia sẻ bài viết