31/03/2019 - 08:33

Phát triển năng lượng tái tạo dựa vào dòng hải lưu

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, một nhóm nghiên cứu khoa học liên ngành của Đại học Công giáo (UC) và Đại học Công nghệ Federico Santa Maria của Chile vừa công bố công trình nghiên cứu khả năng sản xuất điện năng thông qua việc khai thác các dòng hải lưu tại eo biển Magellan.

Nằm giữa Patagonia, vùng cực Nam của phần lãnh thổ lục địa của Chile và Đảo Tierra del Fuego Lớn cùng một số đảo nhỏ khác, eo biển Magellan là “kênh” nối tự nhiên giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Với chiều dài 583km và chiều rộng dao động từ 3-39km, eo biển này còn nổi tiếng với những dòng hải lưu từng biến nơi đây trở thành lựa chọn tối ưu cho các nhà hàng hải khi phải lựa chọn tuyến đường qua cực Nam của châu Mỹ. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết băng giá khắc nghiệt cùng những hạn chế về công nghệ, đây mới chỉ là dự án có quy mô đầu tiên đánh giá tính khả thi của việc khai thác tiềm năng năng lượng tại kênh biển tự nhiên nói trên. Bước đầu, nhóm nhà khoa học trên đã tiến hành một chiến dịch khảo sát thực địa tại eo biển Magellan về dòng chảy, độ xoáy, hoạt động của thủy triều, độ mặn và sức gió nhằm đánh giá tiềm năng về năng lượng của chúng. 

Dự kiến, trong thời gian tới, nhóm nhà khoa học nêu trên sẽ quay trở lại eo biển Magellan để tiếp tục khám phá các khu vực đáng chú ý khác có liên quan tới các vấn đề về môi trường nhằm đánh giá và mô tả các địa điểm tiềm năng để sản xuất năng lượng biển trên toàn bộ vùng bờ biển Chile thông qua việc nghiên cứu các dòng thủy triều và sóng biển.

Thông cáo của nhóm nghiên cứu cũng khẳng định chỉ cần chuyển hóa 0,1% năng lượng biển thành điện năng cũng đủ để đáp ứng gấp 5 lần nhu cầu điện năng toàn cầu hiện tại. Tuy nhiên việc lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và đảm bảo các công trình này hoạt động từ 20-30 năm là một thách thức lớn và đòi hỏi nhiều đầu tư hơn so với các loại năng lượng khác.

Chia sẻ bài viết