Trong những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ tăng trưởng ổn định, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Song song với phát triển công nghiệp, vấn đề đặt ra là tình hình ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp (KCN); việc quản lý hiệu quả đối với chất thải rắn, nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư. Nếu không có những chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường một cách triệt để, giảm thiểu những tác động xấu đối với môi trường, sẽ gây nên nhiều hệ lụy trong tương lai.
Giảm thiểu tác động môi trường
Trên địa bàn thành phố hiện có trên 700 doanh nghiệp và hơn 5.600 cơ sở sản xuất công nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp), hầu hết đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp phải chủ động cải tiến thiết bị và sắp xếp lại quy trình công nghệ cho phù hợp theo từng công đoạn sản xuất, thực hiện các giải pháp nhằm tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nguyên liệu hiệu quả, quản lý nội vi tốt, góp phần giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm. Mặt khác, để phát triển bền vững, quá trình đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh không thể tách rời với trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội. Trong đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp có tính quyết định trong việc quản lý và gìn giữ môi trường.
 |
Doanh nghiệp cần chủ động cải tiến quy trình công nghệ, đảm bảo các tiêu chí về môi trường để tăng khả năng cạnh tranh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Miền Tây, KCN Trà Nóc 1. |
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố. Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung trong KCN đang hoạt động. Trong đó, nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Thốt Nốt giai đoạn 1 có công suất thiết kế 2.500m3/ngày đêm đã đi vào vận hành từ tháng 1-2014. Đến tháng 8-2015, Nhà máy xử lý nước thải KCN Trà Nóc giai đoạn I công suất 6.000m3/ ngày, đêm chính thức khánh thành đi vào hoạt động tại KCN Trà Nóc 2. Trong 8 KCN tập trung của thành phố, KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 có tỷ lệ lấp đầy lần lượt là 99,55% và 85,67%. Yêu cầu xử lý nước thải nơi đây là rất bức thiết. Theo đó, Nhà máy xử lý nước thải KCN Trà Nóc giai đoạn I có nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải cho KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 với 184 dự án đầu tư. Nhà máy sử dụng công nghệ xử lý tổng hợp, bao gồm xử lý cơ học và xử lý sinh học, đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi xả vào rạch Sang Trắng. Hiện chủ đầu tư nhà máy là Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ đã xây dựng xong đường ống thu gom ở KCN Trà Nóc I và cầu đỡ ống thu gom vượt qua rạch Sang Trắng. Đồng thời, hoàn chỉnh công tác lắp đặt đồng hồ thu gom nước thải với doanh nghiệp đã ký hợp đồng để tiến hành thu gom nước thải về xử lý và tính phí đối với doanh nghiệp.
Đối với các KCN còn lại, do doanh nghiệp vào đầu tư chưa nhiều và đang trong giai đoạn lấp đầy nên chưa đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải đảm bảo tự xử lý nước thải, chất thải theo đúng quy định. Song, về lâu dài, các KCN của thành phố bắt buộc phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung để giải quyết bền vững bài toán môi trường, đảm bảo phát triển công nghiệp an toàn và thân thiện môi trường.
Cộng đồng trách nhiệm
Sau khi các nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động, trách nhiệm của các doanh nghiệp là chủ động tham gia đấu nối vào đường ống xả thải chung, tuân thủ các quy định về môi trường. Theo ông Phạm Đình Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Miền Tây (KCN Trà Nóc 1), công ty đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải với kinh phí 23 tỉ đồng, công suất 1.200m3/ ngày - đêm, chất lượng nước thải đạt loại A, đủ tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Công ty cũng thực hiện quản lý chất thải rắn đúng quy định hiện hành. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư trạm quan trắc nước thải công nghiệp với kinh phí gần 800 triệu đồng nhằm đảm bảo sự ổn định của chất lượng nước thải luôn đạt loại A trước khi thải ra môi trường. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường và sẵn sàng đấu nối vào hệ thống xả thải tập trung. Hiện công ty đang đàm phán ký hợp đồng đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải của KCN.
 |
Nhá máy Xử lý nước thải tập trung KCN Trà Nóc, giai đoạn I có công suất 6.000m3/ngày đêm. |
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ tiếp tục ký hợp đồng đấu nối thu gom xử lý nước thải với 6 doanh nghiệp, nâng tổng số Hợp đồng xử lý nước thải lên 18 hợp đồng với công suất xử lý nước thải hiện nay khoảng 2.100m3/ngày - đêm. Ông Võ Ngọc Hồ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ, cho biết: Công ty đang tiếp tục thương thảo với doanh nghiệp để đấu nối đường ống thu gom nước thải tập trung khu công nghiệp Trà Nóc. Thời gian tới, công ty sẽ tăng cường phối hợp với Cảnh sát Môi trường và Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ tiến hành kiểm tra ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp. Theo dõi, tổ chức vận hành tốt nhà máy và nghiên cứu thêm công tác quản lý thu gom nước thải, thu phí, nghiên cứu triển khai Dự án xử lý bùn thải. Công ty cũng mong muốn thành phố cùng các sở ngành hữu quan tiếp tục hỗ trợ công ty trong việc vận động các doanh nghiệp đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN nhằm tạo điều kiện giảm thiểu tác động môi trường. KCN Trà Nóc hiện có 85% tổng lượng nước thải là từ chế biến thủy sản. Do đó, công ty đang đề xuất các sở, ban, ngành thành phố kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho phép KCN Trà Nóc được áp dụng quy chuẩn QCVN 11-MT:2015/BTNMT với chỉ tiêu Tổng phốt pho có hàm lượng xả thải đạt cột B là 20mg/L đối với nước thải sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải tập trung thay cho quy chuẩn QCVN 40: 2011/BTMMT.
Việc quản lý môi trường không chỉ dừng lại ở các giải pháp xử lý cuối đường ống mà phải có các hành động ngăn ngừa ô nhiễm từ đầu nguồn, kiểm tra, kiểm soát từng dây chuyền sản xuất nhằm tránh thất thoát nguyên liệu, nhiên liệu góp phần giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương thường xuyên phối hợp lồng ghép đưa chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp vào công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm. Từ đó, nâng cao trách nhiệm và nhận thức cho doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, tư vấn cho doanh nghiệp các giải pháp giảm phát thải gây ô nhiễm trong hoạt động sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp trong và ngoài KCN. Trong chiến lược mời gọi, thu hút đầu tư, TP Cần Thơ cũng ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, tiên tiến tham gia đầu tư vào KCN để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường sản xuất và môi trường sinh thái. Một khi bài toán môi trường được giải quyết, hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp mới thực sự bền vững, đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN