09/11/2019 - 08:35

Pháp, Đức chia rẽ vì NATO 

Bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang “hấp hối” vấp phải chỉ trích gay gắt từ thành viên trụ cột là Đức, nhưng lại nhận được tán thưởng từ đối thủ của liên minh thời Chiến tranh Lạnh là Nga.

Thủ tướng Đức Merkel và Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tại cuộc họp báo chung hôm 7-11. Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn tờ Economist, Tổng thống Macron nghi ngờ cam kết khi thành lập của NATO, rằng bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào chống lại một trong số các thành viên sẽ bị coi là cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên còn lại trong khối. Thực tế, lãnh đạo Pháp cho biết Mỹ và châu Âu đang thiếu phối hợp trong các vấn đề quan trọng. “Những gì chúng ta thấy hiện nay chính là cái chết não của NATO. Hoàn toàn không có sự phối hợp nào giữa Mỹ và đồng minh trong các quyết định chiến lược” – lãnh đạo Pháp chỉ trích.

Đặc biệt với quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút hết lực lượng khỏi miền Bắc Syria hồi tháng rồi, ông Macron coi đây là dấu hiệu Washington đang quay lưng với châu Âu. Chủ nhân Điện Élysée cũng trực tiếp lên án thành viên khác là Thổ Nhĩ Kỳ về hành động đơn phương của nước này tại Syria ngay sau quyết định của Mỹ. Theo đó, Ankara dù là một phần của liên minh nhưng chiến dịch quân sự của họ ở quốc gia láng giềng đang đe dọa lợi ích của NATO trong khu vực. Cay đắng hơn là liên minh không có khả năng phản ứng trước cuộc tấn công của người Thổ.

Qua những sự kiện này, ông Macron cho rằng tất cả thành viên cần nhận ra NATO đang gặp vấn đề về chính trị lẫn chiến lược. Quan trọng hơn, liên minh quân sự 70 tuổi nên đánh giá lại tình hình thực tế trước viễn cảnh châu Âu không có khả năng tiếp tục dựa vào cam kết bảo vệ của Washington. Theo ông Macron, châu Âu có năng lực tự bảo vệ mình và đã đến lúc ngừng hành động như "cấp dưới" của Mỹ.

Ngoài e ngại vai trò khó đoán của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, Tổng thống Pháp mặt khác kêu gọi châu Âu xét lại chính sách với Nga, thậm chí có thể tìm kiếm hợp tác, mở lại các cuộc đối thoại chiến lược nếu muốn phát triển hòa bình, tìm lại quyền tự chủ chiến lược trong khu vực. Theo ông Macron, châu Âu đang ở rìa của ranh giới mà nếu không hành động thì có thể không còn kiểm soát được vận mệnh khu vực hoặc tệ hơn là biến mất trên bản đồ địa chính trị.

Người ủng hộ, bên chỉ trích

Từ thủ đô Mát-xcơ-va, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng định nghĩa “chết lâm sàng” mà Tổng thống Pháp dùng mô tả NATO là chính xác khi nói về tình trạng hiện tại của khối phòng thủ chung lập từ năm 1949. Ngược lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng bác bỏ khi đánh giá ông Macron sử dụng lời lẽ như vậy là "thái quá và không cần thiết". Bà Merkel khẳng định ý kiến của lãnh đạo Pháp không phù hợp quan điểm của Berlin về hợp tác trong NATO. Là một trong số các thành viên trụ cột của khối, Thủ tướng Đức nhấn mạnh quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là nền tảng an ninh “không thể thiếu” đối với quốc gia Tây Âu này.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Merkel, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm tách châu Âu khỏi Bắc Mỹ không chỉ gây tổn hại và làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương mà còn chia rẽ khu vực. Tuy hoan nghênh nỗ lực tăng cường phòng thủ châu Âu, nhưng ông Stoltenberg nhấn mạnh châu Âu đoàn kết cũng không thể thay thế sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương. Người đứng đầu NATO đồng thời kêu gọi các thành viên sát cánh giữa thời điểm Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự trong khi Nga vẫn tìm cách gây ảnh hưởng các nền dân chủ phương Tây.

Đang trong chuyến thăm thành phố Leipzig (Đức) để tham dự các sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhất trí với quan điểm này khi khẳng định NATO vẫn là đối tác chiến lược hết sức quan trọng của Mỹ. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Trump đã chỉ trích gánh nặng bất công với Washinton trong chi tiêu quốc phòng giữa các đồng minh NATO và yêu cầu các thành viên chi tối thiểu 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong tín hiệu thay đổi, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết Berlin sẽ dành 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2031.

MAI QUYÊN (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết