12/08/2021 - 10:19

Phần lớn lãnh thổ Afghanistan rơi vào tay Taliban 

Taliban vừa chiếm thêm 3 thành phố của Afghanistan, nâng tổng số thủ phủ mà phong trào Hồi giáo này giành được kể từ hôm 6-8 lên 9. Tình hình Afghanistan đang “nóng” lên từng ngày, trong bối cảnh tiến trình đàm phán hòa bình giữa Kabul và Taliban rơi vào bế tắc.

Các tay súng Taliban tràn vào thành phố Farah hôm 10-8. Ảnh: AP

Ngày 10-8, Taliban giành quyền kiểm soát Pul-e-Khumri, thủ phủ tỉnh Baghlan, cách thủ đô Kabul khoảng 200km về phía Bắc, sau hai giờ giao tranh với lực lượng an ninh. Trước đó, phe nổi dậy cũng đã chiếm giữ Farah, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền Tây Nam. Hôm qua, đến lượt Fayzabad, thủ phủ tỉnh Badakhshan, bị chung số phận. Như vậy, 9/34 thủ phủ của Afghanistan đã rơi vào tay Taliban trong vòng chưa đầy một tuần. Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu nhận định Taliban hiện kiểm soát 65% lãnh thổ Afghanistan và đang đe dọa chiếm đóng 11 thủ phủ khác, đồng thời tìm cách cắt đứt sự hỗ trợ của các lực lượng quốc gia ở miền Bắc đối với Kabul.

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn Taliban tiến vào các trung tâm đô thị, quân đội Afghanistan đã tiêu diệt 361 tay súng nổi dậy trong các cuộc tấn công trên không và trên bộ tại nhiều tỉnh trong 24 giờ qua. Chính phủ Afghanistan đang tập trung vào việc bảo vệ các thủ phủ lớn hơn, quan trọng hơn về mặt chiến lược và gửi nguồn lực đến đó.

Ðược biết, hàng trăm ngàn dân thường ở phía Bắc đã rời bỏ nhà, chạy tới Kabul và những trung tâm khác để lánh nạn. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết, trong 10 ngày qua, họ đã điều trị cho hơn 4.000 thường dân bị thương do bom đạn. Số thương vong của dân thường Afghanistan trong tháng 5 và 6 cao hơn 4 tháng đầu năm 2021 với 703 người chết và 1.609 người bị thương. Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, khi có 18,4 triệu người (gần 50% dân số nước này) cần hỗ trợ nhân đạo.

Afghanistan phải tự lực cánh sinh

Trong bối cảnh trên, Nhà Trắng vẫn giữ vững lập trường rằng Chính phủ Afghanistan đủ sức xử lý làn sóng tấn công của Taliban. Tổng thống Joe Biden khẳng định ông không hối hận về quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi quốc gia Tây Nam Á. “Mỹ đã chi hơn 1.000 tỉ USD, giúp đào tạo và cung cấp các thiết bị hiện đại cho hơn 300.000 binh sĩ Afghanistan trong hơn 20 năm”, Tổng thống Biden nói với báo giới hôm 10-8. Do vậy, chủ nhân Nhà Trắng kêu gọi lực lượng quân sự Afghanistan phải chiến đấu “vì bản thân mình và vì quốc gia”. Hồi tháng 4, ông Biden ra lệnh rút toàn bộ khoảng 3.000 lính Mỹ khỏi Afghanistan. Ngay sau đó, Taliban tiến công dữ dội trên chiến trường.

Theo ước tính của Mỹ, 186.000 quân thường trực thuộc quân đội Afghanistan đang đối mặt với khoảng 75.000 tay súng Taliban. Ưu thế vượt trội về quân số không giúp quân chính phủ đẩy lùi được các tay súng Taliban tại thời điểm Mỹ đã hoàn tất khoảng 95% quá trình rút quân, vũ khí khỏi Afghanistan. Afghanistan còn có khoảng 21.000 lính đặc nhiệm. Họ được triển khai trên khắp cả nước, với nhiệm vụ đẩy lùi Taliban và tái chiếm các vùng mà phe nổi dậy kiểm soát. Nhưng lực lượng mỏng, phân tán khiến đội quân tinh nhuệ này không đủ sức giữ nhiều vùng lãnh thổ khỏi rơi vào tay Taliban.

Thay vì tái can dự quân sự ở Afghanistan, Washington nỗ lực về mặt ngoại giao để chấm dứt các cuộc tấn công của Taliban. Theo đó, Ðặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad đã có mặt tại Qatar để thuyết phục giới lãnh đạo Taliban chấp nhận lệnh ngừng bắn và dàn xếp chính trị với Chính phủ Afghanistan.

Taliban cam kết đàm phán

Một phát ngôn viên của Taliban ngày 10-8 nói với Ðài Al Jazeera rằng họ cam kết đàm phán tại thủ đô Doha (Qatar) và không muốn tiến trình thương lượng sụp đổ. Tuy nhiên, một thành viên trong phái đoàn của Chính phủ Afghanistan cho biết nước này yêu cầu một người hòa giải trong cuộc đàm phán để “xác định tính nghiêm túc của các bên tham gia”. Vị này nói Taliban không muốn thương lượng, mà chỉ muốn đạt được những mục đích thông qua bạo lực. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần gây sức ép để Taliban thể hiện sự nghiêm túc.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ cô lập Taliban nếu lực lượng này lên nắm quyền bằng hành động bạo lực. Ðặc phái viên Khalilzad dự kiến sẽ hội đàm với đại diện các nước trong khu vực và muốn các nước này cam kết không công nhận chính phủ mà Taliban có được thông qua súng đạn. Khi Taliban cai trị Afghanistan giai đoạn 1995-2001, Pakistan, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất từng công nhận chế độ này.

Tổng thống Ghani tới phía Bắc để tập hợp lực lượng

Ngày 11-8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã tới thành phố miền Bắc bị bao vây Mazar-i-Sharif để tập hợp lực lượng trong bối cảnh các tay súng Taliban hiện đã chiếm hơn 1/4 các thủ phủ tỉnh của đất nước trong vòng chưa đầy một tuần.

Theo kế hoạch, ông Ghani “kiểm tra an ninh chung ở khu vực miền Bắc” và cũng có thể hội đàm với nhân vật quyền lực Atta Mohammad Noor và lãnh chúa khét tiếng Abdul Rashid Dostum về việc phòng thủ thành phố trong khi Taliban đã áp sát các vùng ngoại ô.

Việc mất quyền kiểm soát Mazar sẽ là một đòn nặng đối với Kabul và đại diện cho sự sụp đổ hoàn toàn quyền kiểm soát của chính quyền Afghanistan đối với khu vực phía Bắc - một pháo đài của lực lượng dân quân chống Taliban.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

 

Chia sẻ bài viết