28/03/2020 - 17:20

Phải gây mê để lấy đồng xu trong thực quản cậu bé 3 tuổi 

(CTO) – Cậu bé 3 tuổi ở quận Cái Răng đang ngồi chơi ở nhà thì đột ngột ho nhiều và nôn ra ít dịch màu hồng. Rất may cậu bé nói ngay với người thân là trước đó có nuốt một đồng xu, nên lập tức được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện một dị vật hình tròn, kích thước khá lớn nằm trong thực quản của bệnh nhi. Đây là trường hợp khó vì người bệnh còn nhỏ, kích thước dị vật lớn. Ê kíp can thiệp gồm bác sĩ gây mê và bác sĩ nội soi tiêu hoá hội chẩn và quyết định phải gây mê cho bé để nội soi lấy dị vật. Sau khoảng 30 phút, các phẫu thuật viên lấy ra được dị vật là một đồng xu đường kính khoảng 2,5cm, thường dùng trong máy chơi game ở các khu vui chơi (ảnh). Sau can thiệp, tình trạng của bé ổn và không còn các dấu hiệu nguy hiểm, được cho xuất viện cùng ngày.

Theo bác sĩ CKI Phạm Hữu Dũng - Phó Trưởng khoa Tiêu hóa phụ trách chuyên khoa nội soi, nếu dị vật không được lấy ra kịp thời có thể gây nguy cơ viêm loét thực quản, nặng hơn có thể gây thủng thực quản hoặc dị vật lọt xuống gây tắc ruột. Qua đây, bác sĩ lưu ý các bậc phụ huynh quan tâm đến các bé, đối tượng có nguy cơ hóc dị vật đường tiêu hoá cũng như đường hô hấp. Các bé thường chơi đùa hoặc ngậm những vật nhỏ có dạng tròn như đồng xu, đạn keo, kẹo, các loại đậu, hạt trái cây như nhãn, chôm chôm…. Trong giai đoạn các bé đang được nghỉ học ở nhà do dịch Covid-19 như hiện nay thì các bậc phụ huynh cần chú ý hơn đến thói quen sinh hoạt cũng như vệ sinh phòng dịch để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho các con.

* Nhân trường hợp hóc dị vật của bệnh nhi trên, điều dưỡng Võ Thanh Sơn, Khoa Cấp cứu BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long hướng dẫn một số thủ thuật (thủ thuật Heimlich) để sơ cứu tại nhà khi trẻ bị hóc dị vật:

- Biện pháp vỗ lưng và ép ngực: cho trẻ dưới 01 tuổi

+ Biện pháp vỗ lưng:

Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước.

Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế ngửa cổ, đầu thấp rồi vỗ 05 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa 2 xương bả vai. Nếu dị vật chưa ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.

 + Biện pháp ép ngực:

Lật trẻ nằm dọc theo cẳng tay trong tư thế ngửa cổ, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào giao điểm giữa xương ức và đường nối 2 núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải).

Nên làm luân phiên 2 biện pháp trên cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.

- Biện pháp vỗ lưng và ép bụng: cho trẻ từ 01 đến 08 tuổi

+ Biện pháp vỗ lưng:

Người sơ cứu quỳ cho trẻ đứng, cúi đầu thấp, há miệng ra.

Người sơ cứu 1 tay đỡ ngực 1 tay vỗ 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí 2 xương bả vai, nếu dị vật chưa ra thì phối hợp dùng biện pháp ép bụng.

 + Biện pháp ép bụng:

Cho trẻ đứng, đầu cúi thấp há miệng ra.

Người sơ cứu quỳ phía sau trẻ, vòng hai tay về phía trước bụng của trẻ, 1 tay người sơ cứu nắm lại như nắm đấm đặt vào vị trí giữa rốn và mũi ức, bàn tay còn lại nắm bọc ra ngoài bàn tay kia cho chặt lại sau đó ép bụng đột ngột 5 lần.

Nếu dị vật chưa tống ra ngoài, cần xen kẽ 2 biện pháp trên cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.

(Lưu ý: nếu quá trình sơ cứu không hiệu quả hoặc trẻ tím tái, hôn mê, thì cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời).

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết