05/02/2020 - 19:51

Ông Trump “vận động tranh cử” trong thông điệp liên bang 

Thông điệp liên bang lần 3 và cũng là cuối cùng trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Donald Trump mang chủ đề “Sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại”.

Xuất hiện tại khán phòng hạ viện vào sáng 5-2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump phá vỡ thông lệ khi từ chối bắt tay Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người khởi xướng việc luận tội ông. Trái với sự im lặng của đảng Dân chủ khi tổng thống phát biểu, các thành viên Cộng hòa liên tục hô vang “4 năm nữa” để ủng hộ lãnh đạo của họ tái đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới.

Chủ tịch Hạ viện Pelosi xé bản sao thông điệp liên bang ngay sau khi ông Trump kết thúc bài phát biểu. Ảnh: Vox

Một trong những khoảnh khắc hiếm hoi phe Cộng hòa và Dân chủ chung quan điểm là khi nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaidó được giới thiệu với tư cách khách mời. Điều này kéo dài không bao lâu khi ông Trump đề cập tình hình Afghanistan cùng biện pháp mà chính phủ thực hiện để chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ và đưa binh sĩ về nhà.

Mô-típ tranh cử

Thông điệp liên bang là hoạt động thường niên và quan trọng của lãnh đạo Mỹ, công bố tầm nhìn, phương hướng và chính sách đối nội, đối ngoại của chính phủ trong cả năm. Năm nay, hoạt động này diễn ra một ngày trước khi thượng viện ra phán quyết tha bổng hoặc phế truất ông Trump về tội lạm quyền và cản trở quốc hội. Với thế đa số của đảng Cộng hòa, khả năng ông ở lại Nhà Trắng là chắc chắn. 

Vì lẽ này, nhiều người không quá ngạc nhiên khi Tổng thống Trump gần như biến 81 phút ở hạ viện thành chiến dịch vận động tái tranh cử bằng việc ca ngợi loạt thành tựu đã đạt được trong 3 năm qua. “Kẻ thù của Mỹ đang chạy trốn, sự thịnh vượng của nước Mỹ đang tăng lên và tương lai của chúng ta đang rực sáng” - ông Trump tuyên bố. Chủ nhân Nhà Trắng tin ông đã hoàn thành cam kết với cử tri để đưa “nước Mỹ vĩ đại trở lại” thông qua “thành tựu kinh tế, những giải pháp chưa từng có để ngăn nạn nhập cư bất hợp pháp, chấm dứt sự tham chiến của Mỹ ở Trung Đông và kế hoạch hòa bình ở khu vực này”.

Theo Guardian, một trong những nội dung đáng chú ý là tuyên bố của Tổng thống Trump về việc đang thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội Mỹ, xây dựng xã hội thịnh vượng và toàn diện nhất thế giới. Thực tế, các nhà phân tích cho rằng ông Trump đang “phóng đại”  những con số và “che giấu” những sự thật có thể khiến cử tri hiểu lầm. Trong đó bao gồm tình trạng bất bình đẳng thu nhập vốn tăng lên mức cao nhất kể từ khi dữ liệu này được theo dõi cách đây 50 năm. Ông Trump cũng không đề cập những thực tế khác, chẳng hạn tăng trưởng của Mỹ năm 2019 thấp hơn một nửa so với con số 4% mà ông từng hứa hẹn hồi năm 2016.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Charles Schumer đã chỉ trích thông điệp liên bang của Tổng thống Trump, cho rằng đây giống như một cuộc vận động tranh cử hơn là bài phát biểu của một nhà lãnh đạo thực sự.

Công kích đối thủ

Ngoài ca tụng thành tựu đạt được, ông Trump trong bài phát biểu còn “tấn công” phe Dân chủ khi chỉ trích chính sách bảo hiểm y tế từ thời người tiền nhiệm Barack Obama. Chủ nhân Nhà Trắng đặc biệt chế giễu màn khởi đầu tồi tệ của đối thủ trong quá trình kiểm phiếu ở Iowa, rằng trục trặc này chứng minh họ “bất tài”.

Hôm 4-2, Iowa là bang đầu tiên tiến hành bầu cử sơ bộ, khởi động quá trình chọn ứng viên của phe Dân chủ đối đầu ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay. Sau 24 giờ trì hoãn vì sự cố, kết quả sơ bộ được công bố với cựu thị trưởng thành phố South Bend (bang Indiana) Pete Buttigieg dẫn đầu khi giành được tỷ lệ ủng hộ 26,8%, theo sau là thượng nghị sĩ Bernie Sanders (25,2%), thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (18,4%) và cựu Phó Tổng thống Joe Biden (15,4%). Kết quả này là cột mốc quan trọng đối với Buttigieg, 38 tuổi, ứng viên đồng tính đầu tiên tham gia chạy đua giành đề cử ứng viên tổng thống Mỹ.

MAI QUYÊN (Theo AFP, Guardian) 

Chia sẻ bài viết