06/05/2019 - 19:01

Ông Trump lại ‘’rắn’’ với Trung Quốc 

Thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 6-5 sụt giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng gấp đôi thuế quan lên lượng hàng nhập khẩu trị giá 200 tỉ USD từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tổng thống Trump (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc gặp hồi tháng rồi. Ảnh: Axios

Trong tháng 1 và tháng 3, Washington đã hai lần ra thông báo đình chỉ kế hoạch tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau quyết định gia hạn của Tổng thống Trump nhằm có thêm thời gian tìm kiếm thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Nhưng cuối tuần rồi, Tổng thống Trump trên Twitter cho biết ông đã “hết kiên nhẫn” khi tiến độ đàm phán diễn ra quá chậm bởi Trung Quốc tìm cách đàm phán lại. Do đó, bắt đầu từ ngày 10-5, Mỹ sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD. Động thái này sẽ tác động tới hơn 5.000 mặt hàng trong các lĩnh vực hóa chất, dệt may và hàng tiêu dùng. Washington có thể “sớm” áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa còn lại trị giá 325 tỉ USD của Trung Quốc.

Nói với Fox News, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết tuyên bố của ông Trump là “lời cảnh báo” cho Bắc Kinh. Một số người cho rằng động thái nói trên có thể chỉ nhằm tăng áp lực giữa lúc phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đang chuẩn bị tới Washington để nối lại đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế, vốn khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo và đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào ảm đạm.

Trong khi đó, Philip Levy - Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng tiến trình đàm phán quá phức tạp và chiến thuật “gây áp lực” của ông Trump khó đạt hiệu quả. Theo Giám đốc khu vực châu Á của hãng tư vấn Eurasia Group Michael Hirson, việc chính quyền Trump bất ngờ tăng thuế vào thời điểm đàm phán bước vào giai đoạn nước rút khiến tiến trình này trở nên bất ổn và đối mặt nguy cơ bế tắc - thậm chí có thể kéo dài qua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. Hiện có tin Bắc Kinh đang cân nhắc lại các cuộc đàm phán, trong đó ông Lưu Hạc có thể tới Washington vào ngày 9-5 và rời đi ngay hôm sau hoặc cũng có thể chuyến đi bị hủy bỏ hoàn toàn.

Tháng 7-2018, chính quyền Trump bắt đầu áp thuế 10% đối với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc và 25% đối với 50 tỉ USD hàng hóa khác nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi chính sách thương mại. Cường quốc châu Á trả đũa bằng cách áp thuế lên các sản phẩm Mỹ trị giá 110 tỉ USD. Những tháng gần đây, Nhà Trắng cho biết đàm phán Mỹ-Trung đang đạt được “tiến bộ đáng kể”. Tháng rồi, Tổng thống Trump còn lạc quan cho rằng hai bên “tiến rất gần” tới một thỏa thuận và tiến trình đàm phán có thể khép lại trong 4 tuần tới.

Tuy nhiên, các báo cáo mới cho biết giới chức Mỹ đang thất vọng trước việc Trung Quốc tìm cách rút lại một số cam kết trước đó. Tuần rồi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo Washington sẵn sàng rời bàn đàm phán nếu không đạt được thỏa thuận như mong đợi, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh thay đổi cách thức theo đuổi tham vọng kinh tế, từ bỏ hoặc thu hẹp trợ cấp doanh nghiệp trong nước, giảm áp lực buộc các công ty nước ngoài chia sẻ bí mật thương mại và có chính sách mở cửa thị trường.

Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung khiến nhiều tổ chức quốc tế lo ngại ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Trong khi đó, nghiên cứu hồi tháng 3 của các nhà kinh tế từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Đại học Columbia và Đại học Princeton cho thấy gánh nặng thuế quan mà ông Trump triển khai - bao gồm thuế đối với thép, nhôm, pin năng lượng Mặt trời và hàng nhập khẩu Trung Quốc - tác động chủ yếu lên người tiêu dùng Mỹ và các doanh nghiệp nhập sản phẩm nước ngoài.

MAI QUYÊN (Theo CBS News,  BBC)

Chia sẻ bài viết