Truyền thông quốc tế hôm 11-12 cho biết ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị- Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung ương đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc và vợ đang bị quản thúc tại nhà giữa lúc chính quyền Bắc Kinh điều tra các cáo buộc tham nhũng chống lại ông.
 |
Ông Chu Vĩnh Khang (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình thời còn “cơm lành canh ngọt”. |
Chu Vĩnh Khang có thể là quan chức cao cấp nhất dính bê bối tham nhũng kể từ khi nước CHND Trung Hoa được thành lập năm 1949. Theo Reuters, Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu thành lập một lực lượng đặc biệt hồi cuối tháng 11 để xem xét các cáo buộc chống lại ông Chu. Một số nguồn tin cho biết sự tự do của ông này đã bị hạn chế và mọi hành động của ông đều được theo dõi một cách chặt chẽ. Theo đó, ông không thể rời khỏi nhà ở Bắc Kinh hoặc tiếp khách mà không có sự chấp thuận trước do đang bị điều tra hành vi "vi phạm kỷ luật Đảng", cụm từ ám chỉ tham nhũng.
Với việc ra lệnh điều tra ông Chu, giới phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình đã phá vỡ một qui định bất thành văn, đó là các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị điều tra sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa quyết định liệu sẽ công khai truy tố ông Chu hay không do cuộc điều tra nội bộ chưa hoàn tất. Trước đó, ông Tập từng tuyên bố sẽ tuyên chiến với nạn tham nhũng, truy tố cả những con "hổ" - ám chỉ các quan chức cấp cao-chứ không chỉ "ruồi". Theo giới phân tích, "đòn tấn công" này của ông Tập sẽ làm cho các quan chức lỡ "nhúng chàm" khiếp sợ, đồng thời hạ nhiệt các cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe cánh trong Đảng.
Ông Chu Vĩnh Khang được cho là người đỡ đầu của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người đã bị tuyên án tù chung thân hồi tháng 9 do tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Ông Chu từng lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc trong 12 năm. Sau một năm làm Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tứ Xuyên. Từ năm 2002, Chu Vĩnh Khang trở thành Bộ trưởng Công an. Trong giai đoạn 2007- 2012, ông là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị- Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung ương.
Theo các phương tiện truyền thông quốc tế, ngoài tội chính là tham nhũng, ông Chu có thể dính líu đến âm mưu ám sát ông Tập Cận Bình (khi còn là Phó Chủ tịch) và một số quan chức khác nhằm tạo cơ hội cho mình lên nắm quyền. Một số báo cáo còn cho rằng ông đã sát hại người vợ đầu tiên của mình để sau đó có thể kết hôn với một biên tập viên truyền hình. Tuy nhiên, âm mưu "đảo chính" của ông Chu mới được xem là nguyên do hàng đầu tại sao ông Tập muốn "trừ khử" một nhân vật vốn được xem là bất khả xâm phạm.
TRÍ VĂN (Theo Reuters, The Epoch Times)