24/04/2024 - 08:20

Ông Blinken trở lại Trung Quốc 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay (24-4) sẽ bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Trung Quốc. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Mỹ quan ngại Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến chống Ukraine và Bắc Kinh phản ứng gay gắt gói viện trợ an ninh của Mỹ dành cho Đài Loan.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: AFP

Đây là lần thứ hai ông Blinken tới Trung Quốc sau chuyến thăm ngoại giao cấp cao nhằm hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung hồi tháng 6 năm ngoái. Chuyến đi này của ông Blinken tiếp nối chuyến công tác tại Quảng Châu mới đây của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Đức hồi tháng 2 sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại California hồi tháng 11 năm ngoái. 

Một quan chức cấp cao Mỹ cho hay, ông Blinken sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị nhằm thảo luận về hàng loạt vấn đề hai bên cùng quan tâm cũng như để “quản lý một cách có trách nhiệm” mối quan hệ Trung - Mỹ thông qua liên lạc chặt chẽ hơn nhằm “giảm thiểu nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột”. Tại cuộc gặp, ông Blinken cũng sẽ đề cập đến một loạt các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu, gồm vấn đề Triều Tiên, xung đột ở Trung Đông, tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và các rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Nói với hãng tin CNBC, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken sẽ truyền đạt “mối quan ngại sâu sắc” của Washington xung quanh viện trợ của Trung Quốc dành cho công nghiệp quốc phòng Nga. 

Trong một tuyên bố chung mới đây, các ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi Trung Quốc ngừng chuyển giao vật liệu và thành phần sản xuất vũ khí lưỡng dụng mà Nga đang sử dụng để thúc đẩy sản xuất quân sự. Về phần mình, ông Blinken cho rằng Trung Quốc là “nước đóng góp chính” cho công nghiệp quốc phòng của Nga.

Theo giới chức Mỹ, những vật liệu trên gồm lượng lớn thiết bị vi điện tử, máy bay không người lái (UAV), công nghệ tên lửa hành trình và nitrocellulose mà Mát-xcơ-va dùng để sản xuất nhiên liệu đẩy cho vũ khí. Họ cho biết, vào năm 2023, 90% số chip mà Nga nhập khẩu đến từ Trung Quốc. Số chip này được sử dụng để sản xuất tên lửa, xe tăng và máy bay. Đặc biệt, 70% máy công cụ mà Nga nhập khẩu từ Trung Quốc trong quý IV-2023 “có thể được sử dụng” để sản xuất tên lửa đạn đạo.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell trong một cuộc phỏng vấn cho hay, Trung Quốc đang phá hoại an ninh châu Âu bằng cách cung cấp cho Nga các công nghệ lưỡng dụng nhưng đồng thời cũng cố gắng phát triển mối quan hệ kinh tế, chính trị chặt chẽ hơn với lục địa già. “Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh với các đối tác châu Âu và Trung Quốc rằng những mục tiêu kép này không nhất quán và chúng tôi muốn Trung Quốc suy nghĩ thật kỹ về con đường phía trước” - ông Campbell cho biết.

Đáp lại, Bắc Kinh bác bỏ những nỗ lực của Washington nhằm “bôi nhọ” hoặc “tấn công mối quan hệ bình thường giữa Trung Quốc và Nga”. Trung Quốc khẳng định, nước này kiểm soát việc xuất khẩu vật liệu lưỡng dụng sang Nga theo quy định của pháp luật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trong một cuộc họp báo gần đây tuyên bố Mỹ “không nên làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc cũng như của các công ty Trung Quốc”.

Trung Quốc mới đây đã bày tỏ sự bất bình và phản đối mạnh mẽ sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật hỗ trợ an ninh trị giá 95 tỉ USD cho Ukraine, Israel, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, gần 61 tỉ USD dành cho Ukraine, hơn 26 tỉ USD cho Israel và hơn 8 tỉ USD cho an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Đài Loan. Lý Hải Đông, giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng bằng cách cung cấp viện trợ quân sự cho Đài Loan, Mỹ đang cố gắng khuấy động một cuộc khủng hoảng và đối đầu ở eo biển Đài Loan cũng như khu vực liên quan. Mỹ sau đó sẽ lợi dụng sự hỗn loạn và xung đột mà nước này tạo ra để khiến các nước ở khu vực Đông Á và Tây Thái Bình Dương nghiêng về phía nước này rồi thành lập liên minh. Theo ông Lý, động thái này sẽ dẫn tới sự chia rẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, làm suy yếu nền tảng quan trọng cho sự ổn định quan hệ Trung - Mỹ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết