Ngọn đuốc Olympic Tokyo 2020 đang đi vòng quanh khắp Nhật Bản trong khi các vận động viên trên khắp thế giới tăng cường chương trình tập luyện đợi ngày tranh tài. Song, chỉ còn khoảng 100 ngày trước khi sự kiện thể thao từng bị hoãn do đại dịch COVID-19 này khai mạc, ban tổ chức giải đấu đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.

Miraitowa, linh vật của Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters
COVID-19 và vaccine chủng ngừa
Vấn đề đau đầu nhất chính là sự tái bùng phát của COVID-19. Các nước như Ấn Ðộ hay Brazil đang chống chọi với các biến thể mới giữa lúc số ca nhiễm SARS-CoV-2 không ngừng gia tăng. Ðể ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, nhiều nước vẫn phong tỏa biên giới. Trong khi đó tại Nhật Bản, chương trình tiêm vaccine COVID-19 diễn ra chậm nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 12-4 nhắc lại cam kết đảm bảo tiêm 100 triệu liều vaccine cho người dân xứ hoa anh đào vào cuối tháng 6, nước này cho đến nay mới chỉ tiêm vaccine cho khoảng 1,1 triệu người trong số 126 triệu dân, tức chưa tới 1% dân số, bao gồm 0,4% dân số tiêm đủ 2 liều.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do các cơ quan quản lý Nhật Bản chậm trễ trong việc phê duyệt vaccine. Giới chức nước này mất hơn 2 tháng mới có thể cho phép sử dụng vaccine do Hãng dược Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Ðức) phối hợp phát triển. Giới chuyên gia cho rằng một phần của sự chậm trễ này là do Tokyo quá thận trọng nhằm tránh sự hoài nghi vốn ảnh hưởng đến nỗ lực tiêm chủng ở Nhật Bản trước đây. Cách tiếp cận đó khiến Nhật Bản tụt hậu so với các quốc gia châu Á khác, chẳng hạn Trung Quốc (171 triệu liều), Ấn Ðộ (108 triệu liều).
Hôm 14-4, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Tokyo Ozaki Haruo cảnh báo tình trạng lây nhiễm SARS-CoV-2 tại thành phố thủ đô gia tăng có thể khiến cho việc tổ chức Thế vận hội “thực sự khó khăn”. Trong khi đó, sự gia tăng các ca bệnh COVID-19 tại thành phố Osaka đã buộc ban tổ chức phải thay đổi kế hoạch cho lễ rước đuốc Olympic.
Ðược biết, khán giả nước ngoài sẽ bị cấm tham dự Thế vận hội được khai mạc vào ngày 23-7. Tuy nhiên, ban tổ chức hiện chưa có bất kỳ giải pháp nào đối với khán giả trong nước. “Tình hình chuyển biến liên tục. Ngay cả trong vài tháng gần đây, tình hình COVID-19 thay đổi hàng loạt. Chúng tôi rất khó để tiếp tục chuẩn bị cho công tác tổ chức Thế vận hội khi mà không biết tình hình sẽ ra sao trong tương lai” - Hidemasa Nakamura, Giám đốc tài chính Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020, lo ngại.
Song, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike hôm 14-4 cho biết bà quyết tâm tổ chức thành công sự kiện thể thao với sự tham gia của hơn 11.000 vận động viên đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ này, bất chấp nhiều khó khăn trước mắt. “Cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình virus Corona khiến cho Thế vận hội bị trì hoãn một năm. Ðó là thử thách lớn đối với nhân loại nhưng chúng tôi muốn vượt qua cuộc chiến đó và biến Thế vận hội thành một sự kiện đáng nhớ” - bà Koike tuyên bố.
Không trừ khả năng xấu nhất
Theo Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), những vận động viên tham gia Thế vận hội không bắt buộc phải cách ly 14 ngày sau khi đến Nhật Bản nhưng họ sẽ cần có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi đến nước này và sau đó được xét nghiệm lại. Các nước cũng đã bắt đầu tiêm chủng cho thành viên đội tuyển tham gia thi đấu.
Trong khi đó, các đấu thủ sẽ được bố trí ở tại làng vận động viên thuộc phường Chuo của Tokyo và thường xuyên được kiểm tra SARS-CoV-2 tại “các thời điểm khác nhau”. Ban tổ chức yêu cầu những người tham gia Thế vận hội tránh ôm, đập tay và không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ðặc biệt là họ luôn phải đeo khẩu trang.
Ban tổ chức có kế hoạch bố trí 126.000 tình nguyện viên để hướng dẫn các vận động viên cũng như khán giả tham gia Thế vận hội. Hideki Hayakawa, Giám đốc đơn vị điều phối Olympic ở phường Chuo cho biết đang cân nhắc một loạt biện pháp chống sự lây lan của COVID-19 dành cho những người tham gia Olympic, gồm cấm họ ghé thăm các cửa hàng hay nhà hàng. Các vận động viên vi phạm có thể bị cấm thi đấu.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất bây giờ là liệu Thế vận hội có tiếp tục trì hoãn, thậm chí hủy bỏ hay không? Hôm 15-4, Tổng Thư ký Ðảng Dân chủ Tự do (LDP) Toshihiro Nikai cho biết việc hủy Thế vận hội Olympic Tokyo có thể là một phương án nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục xấu đi. Nhân vật số 2 trong đảng cầm quyền tại Nhật Bản nói: “Nếu không khả thi thì cần phải hủy bỏ Olympic Tokyo”. Tuy nhiên, ông Nikai nhấn mạnh rằng việc đăng cai Olympic Tokyo là “cơ hội lớn” đối với Nhật Bản và cần tiếp tục các nỗ lực để đảm bảo thành công của thế vận hội mùa hè này.
Trước đó, Thủ tướng Suga Yoshihide đã nhiều lần cam kết tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo an toàn và an ninh, đồng thời bày tỏ mong muốn các thế vận hội này sẽ là biểu tượng cho chiến thắng của loài người trước đại dịch. Tuy nhiên, hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Nhật Bản. Một số chuyên gia y tế cảnh báo Nhật Bản đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 4. Trong bối cảnh đó, kết quả thăm dò dư luận vào cuối tuần trước của hãng tin Kyodo cho thấy có tới 72% người được hỏi ủng hộ hủy hoặc hoãn Olympic và Paralympic, trong đó có 39,2% muốn hủy và 32,8% muốn hoãn thế vận hội với chi phí lên đến 25 tỉ USD này.
TRÍ VĂN (Theo Al-Jazeera, CNN, TTXVN)