07/03/2023 - 20:39

Nồng độ bụi mịn vượt chuẩn trên toàn cầu 

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg, WP)

Chất lượng không khí toàn cầu đang ngày càng ô nhiễm, nhưng liệu tình hình nghiêm trọng đến mức nào? Câu trả lời là hầu như không còn nơi nào trên Trái đất an toàn trước các thành phần độc hại như bụi mịn.

Mọi người đi bộ giữa sương mù kèm bụi mịn dày đặc ở New Delhi, Ấn Độ vào ngày 22-2.

Ðây là kết luận rút ra từ nghiên cứu mới của các nhà khoa học Úc và Trung Quốc về mức độ ô nhiễm không khí hàng ngày trên toàn cầu. Theo báo cáo đăng trên tạp chí Lancet Planetary Health, khoảng 99,82% diện tích đất toàn cầu tiếp xúc với mức độ hạt vật chất có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) trên giới hạn an toàn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Và chỉ 0,001% dân số thế giới hít thở không khí với chất lượng chấp nhận được.

Theo WHO, cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ trước bụi kích cỡ lớn hơn 10 micromet, còn những hạt dưới 5 micromet lơ lửng trong không khí có thể đi vào máu và bị giữ lại trong khí quản, phế nang. Trong đó, bụi “siêu mịn” PM2,5 chỉ bằng 1/30 chiều rộng của sợi tóc người là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất. Chúng được tạo thành do quá trình tương tác hóa học của các chất như nitơ, carbon và nhiều hợp chất kim loại khác sinh ra từ khí thải giao thông, nhà máy điện, công nghiệp hoặc đốt rơm rạ… Theo ước tính gần đây của WHO, ô nhiễm không khí giết chết gần 7 triệu người/năm trên toàn thế giới và gần 2/3 số ca tử vong sớm do hạt mịn gây ra.

Mặc dù bất kỳ lượng PM 2,5 nào cũng có hại, nhưng trước giờ giới khoa học cũng như cơ quan quản lý thường quan tâm nhiều tới phơi nhiễm mãn tính hơn là mật độ hạt PM2,5 hàng ngày. Ðiều này khiến việc định lượng mức độ phơi nhiễm toàn cầu với PM2,5 trở thành một thách thức. Vì vậy, trưởng nhóm Yuming Guo tại Ðại học Monash (Úc) cùng các đồng sự trong nghiên cứu mới đã ước tính nồng độ PM2,5 hàng ngày trên toàn cầu, bằng cách kết hợp các phép đo ô nhiễm không khí trên mặt đất thu thập từ hơn 5.000 trạm quan trắc trên thế giới với thuật toán mô phỏng, yếu tố địa lý cùng dữ liệu khí tượng.

Chất lượng không khí báo động ở nhiều khu vực châu Á

Sau phân tích, các nhà khoa học phát hiện hơn 70% số ngày trong năm 2019 có nồng độ PM2,5 vượt quá giới hạn khuyến nghị an toàn của WHO là 5 microgam trên một mét khối (µg/m3). Trung bình, chỉ một trong số 10.000 người (0,001% dân số toàn cầu) tiếp xúc nồng độ ô nhiễm PM 2,5 ở ngưỡng an toàn. Nếu xét theo mức cũ (15 µg/m3), cũng chỉ có 1,8% dân số toàn cầu tiếp xúc bụi mịn từ khuyến nghị của WHO trở xuống.

Chất lượng không khí đặc biệt đáng lo ngại ở Nam và Ðông Á, nơi có hơn 90% số ngày nồng độ PM2,5 trên ngưỡng 15 µg/m3. Cụ thể, các nhà nghiên cứu khi ước tính mức phơi nhiễm hàng năm thì phát hiện nồng độ bụi mịn cao nhất là ở Ðông Á (50 µg), tiếp theo là Nam Á (37 µg) và Bắc Phi (30 µg). Ngược lại, người dân Úc, New Zealand ít phải đối mặt với mối đe dọa bụi mịn nhất. Một vài khu vực khác ở châu Ðại Dương, Nam Mỹ cũng có nồng độ PM2,5 hàng năm thấp nhất.

Các nhà khoa học cũng xem xét tình trạng ô nhiễm không khí thay đổi như thế nào trong giai đoạn 2000-2019. Theo đó, hầu hết các khu vực ở châu Á, vùng phía Bắc và cận Sahara của châu Phi, châu Ðại Dương, châu Mỹ Latinh và Caribe đều ghi nhận tăng nồng độ PM2,5 - một phần do nạn cháy rừng. Ngược lại, nồng độ cao PM2,5 trung bình mỗi năm và hàng ngày ở châu Âu và Bắc Mỹ có dấu hiệu giảm nhờ các quy định chặt chẽ hơn.

Báo cáo cũng chỉ ra mức độ các hạt vật chất mịn thay đổi như thế nào tùy theo mùa, phản ánh hoạt động của con người làm tăng tốc độ ô nhiễm không khí. Chẳng hạn như ở Ðông Bắc Trung Quốc và Bắc Ấn Ðộ, các khu vực này ghi nhận nồng độ PM 2,5 cao hơn từ tháng 12 đến tháng 2, có thể do việc sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch trong mùa đông. Còn những nước Nam Mỹ như Brazil, nồng độ PM 2,5 trong không khí bắt đầu tăng từ tháng 8 đến tháng 9, được cho chịu ảnh hưởng của việc đốt nương làm rẫy vào mùa hè.

Nhìn chung, theo chuyên gia khí quyển Pawan Gupta tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nghiên cứu mới rất đáng quan tâm khi là công trình khoa học đầu tiên cung cấp dữ liệu hàng ngày về PM 2,5 trên toàn thế giới. Những phát hiện này cho thấy tính cấp bách đối với các nhà hoạch định chính sách, giới chức y tế công cộng và những nhà khoa học trong nhiệm vụ kiềm chế các nguồn gây ô nhiễm không khí. Riêng với mỗi cá nhân, Giáo sư Guo khuyến nghị mọi người đeo khẩu trang khi ở ngoài trời và sử dụng máy lọc không khí trong nhà để hạn chế ảnh hưởng sức khỏe.

Chia sẻ bài viết