06/05/2010 - 21:48

Nối lại đàm phán hòa bình Trung Đông

Đặc phái viên Trung Đông của Mỹ George Mitchell (trái) gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 5-5. Ảnh: AFP

Sau hơn một năm đổ vỡ, tiến trình đàm phán hòa bình Israel - Palestine sắp được khởi động lại, khi Đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông George Mitchell đang có chuyến công du “con thoi” tới khu vực. Hôm nay 7-5, ông Mitchell đến thành phố Ramallah ở Bờ Tây gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, sau khi đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong hai ngày trước đó tại Jerusalem. Tuy ông Abbas cho biết còn chờ Ủy ban Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) quyết định có nối lại đàm phán hay không, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley cho rằng cuộc gặp giữa ông Mitchell và Tổng thống Abbas sẽ đánh dấu việc tái khởi động đàm phán gián tiếp giữa Israel và Palestine.

Sự nôn nóng của Washington cũng dễ hiểu khi mà tiến trình hòa bình vẫn “giậm chân tại chỗ” sau những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ trong hơn một năm qua của Mỹ ở Trung Đông. Khi lên nhậm chức, Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ giải pháp thành lập hai nhà nước Israel và Palestine. Để tái khởi động đàm phán, ông yêu cầu Israel ngưng tất cả việc xây dựng khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng năm 1967, đồng thời giục các quốc gia A-rập tiến tới bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv. Tuy nhiên, ông Obama đã không thành công. Tại Israel, phong trào cánh hữu gia tăng quyền lực, dẫn đầu là Ngoại trưởng Avigdor Lieberman, chẳng những không chấp nhận dừng xây dựng các khu định cư mà còn nhiều phen làm Mỹ bẽ mặt. Còn thế giới A-rập cũng chưa muốn giảng hòa với Israel. Do vậy, việc khởi động lại cuộc đàm phán có ý nghĩa rất lớn đối với chính quyền Obama.

Tuy nhiên, thành công sẽ chỉ là tạm thời nếu như Đặc phái viên Mitchell không thuyết phục được Israel và Palestine cùng ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp, vốn đã diễn ra gần 2 thập niên qua trước khi vòng thương lượng cuối cùng kết thúc vào tháng 1-2009. Đây là điều hết sức khó khăn cho ông Mitchell. Tổng thống Palestine tuyên bố cuộc đàm phán gián tiếp sẽ chỉ kéo dài 4 tháng và những bất đồng chính phải được thương thảo như vấn đề kiểm soát Jerusalem, người tị nạn Palestine, biên giới và các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Theo ông Abbas, sau thời gian đàm phán gián tiếp, Palestine sẽ tham vấn Liên đoàn A-rập (AL) là liệu có tiếp tục hay không và Palestine sẽ phải làm gì. Palestine cũng kiên quyết không đàm phán trực tiếp với Israel cho đến khi Tel Aviv dừng tất cả việc xây dựng khu định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Hơn 10 năm qua, Israel và Palestine đã hai lần tiến gần tới hiệp ước toàn diện, nhưng rốt cuộc đều đổ vỡ do bất đồng về những vấn đề cốt lõi. Liệu lần này, dưới sự trung gian của Mỹ, hòa bình sẽ được thiết lập ở Trung Đông? Hiện cả Israel và Palestine vẫn tồn tại nhiều vấn đề nội bộ nếu muốn đưa ra những nhượng bộ đáng kể. Việc ông Abbas để mất Dải Gaza vào tay Hamas (từ năm 2007) là chướng ngại chính, vì ông không thể kiểm soát tất cả vùng lãnh thổ mà người Palestine muốn thành lập nhà nước. Trong khi đó, Hamas bác bỏ bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Israel và đe dọa vị thế của ông Abbas ở Bờ Tây. Còn Thủ tướng Netanyahu vấp phải những cản trở từ trong liên minh cầm quyền với các chính khách theo đường lối cứng rắn, luôn phản đối trao trả Bờ Tây cho Palestine hoặc xóa bỏ các khu định cư Do Thái ở đây.

N. KIỆT (Theo AP, Reuters, BBC)

Chia sẻ bài viết