 |
Thủ tướng Naoto Kan liên tục bị chỉ trích. Ảnh: Asahi |
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền lại lâm vào cuộc tranh cãi nội bộ mà nhiều người cho là “không đáng có” sau khi Thủ tướng Naoto Kan bóng gió rằng ông muốn duy trì vị trí người đứng đầu chính phủ đến tận năm sau, khác với những gì ông đã nói trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra mà không ít đối thủ của ông trong DPJ nghĩ là ông sẽ sớm từ chức, chậm nhất cũng là cuối năm nay .
Ngày 2-6, chỉ vài giờ trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, Thủ tướng Kan cam kết sẽ từ chức sau khi nỗ lực tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa động đất và sóng thần ngày 11-3 cũng như việc xử lý cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 có được những tiến bộ rõ ràng. “Tôi muốn bàn giao trọng trách này cho thế hệ trẻ khi chúng tôi hoàn tất vai trò của mình trong việc giải quyết thảm họa”, ông Kan nói.
Tuyên bố của ông đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều thành viên trong DPJ dù trước đó họ dọa sẽ bỏ phiếu thuận theo kiến nghị của phe đối lập gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP), đảng Công minh (KMP) và đảng của Bạn (YP). Kết quả là với 152 phiếu thuận và 293 phiếu chống, Hạ viện Nhật Bản đã bác bỏ bản kiến nghị phế truất Thủ tướng Naoto Kan.
Tuy nhiên, sự bất đồng trong nội bộ DPJ lại nổi lên sau phát biểu của ông Kan tại một cuộc họp báo tối cùng ngày rằng ông muốn tại vị cho đến khi các lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy Fukushima số 1 ở trong trạng thái “ngừng hoạt động nguội” - một qui trình được cho có thể kéo dài đến tận năm sau.
“Nếu ông ta không giữ lời hứa, ông ta là kẻ dối trá”, hãng tin Kyodo dẫn lời cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama, người đã từng nói giúp cho ông Kan tại DPJ trước thời khắc quyết định của cuộc bỏ phiếu ngày 2-6. Trước đó, ông Hatoyama còn nói với cánh báo chí rằng ông Kan sẽ ra đi sau khi phác thảo dự án ngân sách bổ sung để tái thiết khu vực bị động đất và sóng thần tàn phá, dự kiến có thể hoàn tất nội trong tháng này.
Nhiều đối thủ của ông Kan trong DPJ không chỉ giận dữ trước sự thay đổi của ông mà họ còn lo ngại tỷ lệ ủng hộ dành cho người đứng đầu chính phủ quá thấp sẽ ảnh hưởng đến họ trong cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào năm 2013.
Phát biểu của Thủ tướng Naoto Kan còn vấp phải sự chỉ trích gắt gao từ phe đối lập, bao gồm LDP - phe luôn cho rằng ông Kan không đủ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân cũng như lãnh đạo cuộc tái thiết đất nước sau thảm họa. Không chỉ vậy, các đảng đối lập chiếm đa số ở Thượng viện và có quyền bác bỏ các dự luật còn khẳng định họ sẽ không hợp tác thực thi các chính sách cho đến khi ông Kan từ chức.
Xem ra, làn sóng chống Thủ tướng Kan sẽ còn dâng cao, ngay từ trong lòng DPJ, không chỉ cản trở những nỗ lực của ông trong việc tiến hành các bước cần thiết để kiểm soát nợ công và vực dậy nền kinh tế vốn đang trì trệ, mà còn làm tổn hại hình ảnh của đảng này trong mắt người dân xứ Phù Tang.
THANH TRÚC (Theo Reuters, Asahi)