08/02/2020 - 19:49

Những xu hướng làm thay đổi ngành công nghiệp giải trí   

Sự phát triển của công nghệ, biến động thị trường và thị hiếu đám đông đã khiến ngành công nghiệp giải trí đối mặt với nhiều thử thách và đổi mới, tạo ra những thay đổi lớn.

Đạo diễn Mati Diop (giữa) và dàn diễn viên trong “Atlantics”.

Một trong những xu hướng đáng chú ý là sự đổi mới của các Liên hoan phim quốc tế (LHP). Các hoạt động vốn dĩ được mặc định phải theo khuôn khổ truyền thống, đang dần bước ra khỏi vùng an toàn, thử thách với những điều mới mẻ hơn. Chỉ trong vòng một tháng, 3 LHP danh tiếng là Sundance, Berlin, Rotterdam lần lượt xuất hiện với diện mạo mới.

LHP Sundance - một trong những sự kiện phim độc lập, nghệ thuật danh tiếng của New York và toàn cầu - sẽ do Tabitha Jackson làm đạo diễn, thay thế đạo diễn gạo cội John Cooper - người đứng sau LHP Sundance trong 11 năm qua. Nữ đạo diễn Tabitha Jackson chuyên về phim tài liệu với những góc nhìn sáng tạo trong cách dựng chương trình. Sự “thay máu” của LHP Sundance được kỳ vọng sẽ mang đến những điều mới mẻ và tăng sức hút quốc tế cho sự kiện vốn chỉ bó hẹp ở mảng phim độc lập. LHP Sundance không chỉ là nơi trao giải thưởng, mua bán các dự án mà còn là bàn tròn hội thảo, hội nghị, những diễn đàn không chỉ về phim ảnh mà còn về công nghệ đột phá tác động đến phim ảnh và phương tiện truyền thông. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường nền tảng dịch vụ trực tuyến phát triển mạnh, LHP Sundance lại trở thành nơi kết nối hiệu quả cho đầu tư, sản xuất và phát hành. LHP Sundance năm nay cũng nỗ lực nâng cao tiếng nói của phụ nữ. Thống kê cho thấy, có khoảng 46% phim tranh giải do phụ nữ đạo diễn, tạo động lực để phụ nữ tiếp tục gắn bó với ngành; hướng tới sự bình đẳng về sắc tộc, giới tính.

Sau LHP Sundance, đến lượt LHP Berlin (diễn ra từ 20-2 đến 1-3) cũng có cuộc “thay máu”. Carlo Chatrian là Chủ tịch điều hành mới của LHP thay thế cho Dieter Kosslick - người đã giữ cương vị này trong 18 năm qua. Carlo Chatrian không chỉ là đạo diễn trẻ mà còn sáng tạo, táo bạo. Carlo Chatrian sẽ mang cả ê-kíp làm việc của ông tại LHP Locarno - nơi Carlo Chatrian nổi danh với cương vị Giám đốc Nghệ thuật của sự kiện, sang làm mới LHP Berlin. Với sự dẫn dắt của Carlo Chatrian, LHP Berlin năm nay được kỳ vọng sẽ có sắc thái mới.

Điều đó cũng đang được kỳ vọng với LHP Rotterdam khi nữ đạo diễn Vanja Kaludjercic sẽ thay thế nhà sản xuất Bero Beyer để điều hành sự kiện. Sự thay đổi ở các LHP này ít nhiều tác động đến các LHP Cannes, Venice hay Toronto, London, Busan… cũng đang tìm cách đổi mới.

Ở giai đoạn 2018-2019, châu Á là trung tâm về thị trường và các đề tài. Đến năm 2020, xu hướng đó đang chuyển đến châu Phi. Động thái rõ nhất chính là “Atlantics” - phim đầu tay của Mati Diop - lần lượt tạo được tiếng vang ở LHP Cannes 2019, hiện diện ở danh sách đề cử rút gọn Phim quốc tế xuất sắc nhất ở Oscar 2020. Với “Atlantics”, Mati Diop trở thành đạo diễn da đen đầu tiên có chiến thắng cao nhất ở LHP Cannes (giải Grand Prix). Điều này cho thấy một khởi đầu khả quan cho điện ảnh từ châu Phi. Trước đó, một tác phẩm khác cũng gây chú ý là “Lionheart” của Nigeria. Tác phẩm từng tạo ra rất nhiều kỷ lục ở châu Phi nhưng không đủ điều kiện dự tranh Oscar, bởi vì đa phần nói tiếng Anh. “Lionheart” tạo sức hút đến nỗi Netflix bỏ tiền đầu tư và sản xuất lại tại Nigeria.

Ở lục địa có dân số hơn 1,3 tỉ người, châu Phi cho thấy tiềm năng lớn trong phát triển ngành giải trí. Nhà làm phim Steven Markovitz, cho biết: “Tôi đã sản xuất phim ở châu Phi trong 25 năm và chưa thấy nhiều mối quan tâm dành cho điện ảnh châu Phi như ngày nay. Nhiều chương trình và dự án phim quốc tế được triển khai ở đây”. Steven Markovitz cũng đưa “Rafiki” chiến thắng ở hạng mục Nhãn quan độc đáo tại LHP Cannes 2018, gây chú ý cho nền điện ảnh châu Phi. Không chỉ Netflix mà nhiều đơn vị cũng quan tâm thị trường này. Đơn cử như Canal Plus, Pathé của Pháp đầu tư sản xuất và mở rộng các mạng lưới rạp chiếu bóng. Trong khi đó, châu Phi cũng đang tăng dần sự hiện diện trên thị trường, tiến công các LHP Cannes, Berlin…

Công nghệ phát triển và ngành giải trí cũng ứng dụng nhanh vào việc sản xuất và khai thác thị trường. Netflix sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nắm bắt và cải thiện trải nghiệm của các thuê bao, thăm dò thị hiếu và đưa ra những định hướng thị trường phù hợp. Lợi ích từ AI cũng khiến các nhà làm phim độc lập thay đổi quan niệm. Trước đây, giới làm phim độc lập cho rằng sản phẩm của họ làm ra là nguyên mẫu, được thúc đẩy bằng tính sáng tạo của từng cá nhân và rất khó để phân tích bằng máy tính. Nay thì các nhà sản xuất đưa ra hàng loạt chương trình thông minh có thể phân tích và đưa ra những dự đoán phù hợp theo từng nhu cầu. Câu lạc bộ Nhà sản xuất châu Âu (trụ sở tại Pháp) - nơi tập hợp khoảng 100 nhà sản xuất phim lẻ và truyền hình từ khắp châu Âu, sẽ bắt đầu theo dõi chương trình AI phân tích dữ liệu được Largeos phát triển năm 2019. Phần mềm này phân tích các kịch bản, đưa ra đánh giá về tiềm năng phòng vé, đối tượng mục tiêu của họ trên cơ sở dữ liệu từ 30.000 sản phẩm phim trước đó đã được đưa vào hệ thống. Việc thử nghiệm này đang tạo nên tranh luận và có thể tác động không nhỏ đến ngành giải trí, một khi AI đưa ra dữ liệu chính xác và phù hợp.

BẢO LAM (Theo Variety, Vox, Screendaily)

Chia sẻ bài viết