29/03/2016 - 20:43

Những điều cần biết về bệnh đục thủy tinh thể

 

Khi nói đến đục thủy tinh thể - nguyên nhân hàng đầu dẫn tới mù lòa ở người trung niên và lớn tuổi, nhiều người chỉ biết nó là "vấn đề nghiêm trọng ở mắt" và ảnh hưởng tới "người già". Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về chứng đục nhân mắt, tạp chí Prevention của Mỹ vừa giới thiệu bài viết xung quanh những điều cần biết về chứng bệnh này.

Đục thủy tinh thể không hình thành trên bề mặt nhãn cầu

Theo Stephen Foster – Giáo sư nhãn khoa lâm sàng tại Trường Y Harvard và là nhà sáng lập Viện Nghiên cứu và Phẫu thuật Mắt Massachusetts (Mỹ) – đa số mọi người cho rằng lớp màng mờ đục làm cản trở tầm nhìn hình thành phía trên cầu mắt, nhưng thực sự thì nó hình thành từ bên trong mắt. Nó xuất hiện khi các prôtêin cấu thành thủy tinh thể bị hư hỏng. "Bạn không thể nhận biết bệnh đục thủy tinh thể và nó thường mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để tiến triển tới giai đoạn cần phải phẫu thuật điều trị" – Giáo sư Foster giải thích.

Tuổi tác không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất

Tuy hầu hết các ca đục nhân mắt đều liên quan đến tuổi tác, song nó cũng có thể phát triển do chấn thương ở mắt hoặc sau khi phẫu thuật điều trị một bệnh lý khác ở mắt, chẳng hạn như tăng nhãn áp. Phơi nhiễm với bức xạ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tình trạng để mắt bị chói nắng thường xuyên có thể đẩy nhanh tốc độ phân hủy các prôtêin cấu thành thủy tinh thể. Trong một số trường hợp, đục thủy tinh thể là một dị tật bẩm sinh – nghĩa là trẻ sinh ra đã có bệnh.

Bệnh có thể chỉ ảnh hưởng tới một bên mắt

Theo Giáo sư Foster, ngoài những bệnh nhân chịu ảnh hưởng ở cả hai mắt, nhiều người chỉ bị mờ một bên mắt. Tình trạng này xảy ra khi người ta bị chấn thương một bên mắt (do tai nạn chẳng hạn) và bắt đầu phát triển chứng đục thủy tinh thể. Ông cũng khuyến cáo những người cảm nhận màu sắc lợt lạt ở một bên mắt nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra.

Bệnh có thể làm méo mó hình ảnh theo nhiều cách

Đục thủy tinh thể có thể khiến nhiều người luôn nhìn thấy hình ảnh mờ nhạt, nhưng một số người khác thì chỉ thấy mờ trong những điều kiện nhất định. Ví dụ, Giáo sư Foster cho biết ông cho một bệnh nhân luôn nhìn thấy rõ vào ban ngày và chỉ thấy mờ mỗi khi lái xe vào ban đêm. Vì vậy, ông khuyến cáo mọi người cần thận trọng khi phát hiện mắt bị mờ, bởi đục thủy tinh thể cũng có nhiều dạng.

Không phải ai bị đục nhân mắt cũng cần phẫu thuật

Khi bệnh vừa khởi phát, tầm nhìn của bệnh nhân không bị ảnh hưởng nhiều. Đó là lý do nhiều người trì hoãn phẫu thuật tới nhiều năm. Theo Giáo sư Foster, sự trì hoãn này không chứa đựng bất kỳ rủi ro nào. Vì vậy, ông thường khuyên bệnh nhân nếu bệnh ảnh hưởng đến chất lượng sống thì hãy phẫu thuật, không thì cứ tái khám định kỳ là được.

Phẫu thuật chữa đục thủy tinh thể rất phổ biến và rất an toàn

Theo Giáo sư Foster, nếu bệnh tình đã đến giai đoạn cần phẫu thuật, bệnh nhân không nên hoảng sợ. Lý do là phẫu thuật đục thủy tinh thể có tỷ lệ thành công lên đến 96% và được xem là một trong những biện pháp điều trị an toàn nhất trong y học hiện đại. Ca phẫu thuật kéo dài chỉ 15 phút, trong đó, bác sĩ sẽ lấy thủy tinh thể ra khỏi mắt, dọn sạch lớp nhầy tích tụ trong mắt và thay vào thủy tinh thể mới. Bệnh nhân có thể nhìn thấy rõ chỉ sau một ngày phẫu thuật và hoàn toàn phồi phục thị lực trong vòng 1 tháng. Điều họ cần làm là mang kính bảo vệ mắt và tránh vận động mạnh.

Chúng ta có thể hạn chế nguy cơ phát triển bệnh

Đeo kính râm bảo vệ mắt khi đi dưới trời nắng là một trong những cách trực tiếp để bảo vệ đôi mắt. Tăng cường bổ sung trái cây và rau củ giàu chất chống ôxy hóa cũng được chứng minh là cách hữu hiệu để bảo vệ mắt khỏi chứng đục thủy tinh thể, cũng như hàng loạt bệnh lý về mắt khác. Tránh xa thuốc lá và áp dụng chế độ ăn có chỉ số đường huyết (GI) thấp – tức là những thực phẩm không làm tăng đường huyết đột ngột – cũng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh.

HOÀNG ĐIỂU (Theo The Express Tribune)

Chia sẻ bài viết