Vụ 140 giáo viên và 38 hiệu trưởng tại 44 trường công lập ở thủ phủ Atlanta của bang Georgia trong 10 năm qua đã âm thầm thông đồng với nhau sửa đáp án bài thi từ sai thành đúng để nâng điểm cho học sinh nhằm giành được danh hiệu nhà giáo giỏi và trường tốt, bị phanh phui đầu tuần này đang gây xôn xao dư luận nước Mỹ. Đây được xem là vụ sửa điểm thi lớn nhất trong lịch sử ngành giáo dục xứ cờ hoa và là đòn giáng mạnh vào uy tín của hệ thống đào tạo được xem là tốt vào hàng bậc nhất thế giới. Thị trưởng Kasim Reed gọi vụ này là “một chương rất buồn trong đời sống của thành phố”, trong khi nhiều người nghi ngờ Atlanta không phải là nơi duy nhất xảy ra tình trạng trên.
Thói hám danh xem ra đang lan tràn khắp nơi và dẫn tới những tệ nạn như bệnh thành tích, đạo văn... bất kể là ở nước giàu hay đang phát triển. Tại Trung Quốc, nhiếp ảnh gia Hou Xie hồi đầu tháng này đã phải trả lại huy chương vàng mà ông ta đạt được trong Triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh quốc gia 2010 với tác phẩm “Thực tiễn ngày mai”, sau khi người ta phát hiện bức ảnh trên là của một tác giả khác, được dùng kỹ thuật photoshop “mông má” lại.
Tại Đức, bà Silvana Koch-Mehrin (ảnh) sau khi mất chức phó chủ tịch Nghị viện châu Âu đã bị buộc phải từ bỏ luôn vị trí còn lại tại Ủy ban Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng của cơ quan này hồi cuối tháng 6. Trước đó, bà đã bị tước bằng tiến sĩ ngành lịch sử kinh tế sau khi Đại học Heidelberg phát hiện đa phần trong luận án của bà là sao chép. Tháng 3 năm nay, một chính khách người Đức khác là Bộ trưởng Quốc phòng Karl-Theodor zu Guttenburg đã phải từ chức vì xì-căng-đan đạo văn. Bằng tiến sĩ luật của ông cũng bị Đại học Bayreuth thu hồi. Cần nhắc lại là mấy năm gần đây, nạn đạo văn và mua bán bằng tiến sĩ trở thành vấn nạn đối với lĩnh vực giáo dục bậc cao ở Đức.
Điều đáng nói là người ta không chỉ đạo văn để có được bằng cấp hay giải thưởng nào đó, và ngay cả những người được xem là “chữ nghĩa đầy mình” cũng đạo văn. Trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp của trường dạy viết văn Clinton ở New York (Mỹ) hồi hạ tuần tháng 6 vừa qua, hiệu trưởng Joseph Anderson đã copy nhiều đoạn trong bài diễn văn của cố tiểu thuyết gia David Foster Wallace mà không dẫn nguồn. Xui cho ông này là bài diễn văn trên quá nổi tiếng, được tạp chí Time xếp trong 10 bài phát biểu hay nhất năm 2005, nên không khó để một phụ huynh có mặt tại buổi lễ lật tẩy.
LÊ DÂN