20/12/2014 - 09:41

Những bước đi tiếp theo bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba

Sau thỏa thuận lịch sử thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba được công bố, trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Tây bán cầu Roberta S. Jacobson cho hay Tổng thống Barack Obama sẽ sớm sử dụng quyền hành pháp mở rộng của mình để nới lỏng hạn chế du lịch, thương mại và tài chính đối với Cuba bất chấp sự phản đối của Quốc hội Mỹ.

Theo đó, Bộ Ngân khố Mỹ sẽ cho phép người gốc Cuba gởi tiền về quê hương gấp 4 lần mỗi quý, từ 500 USD lên 2000 USD, đồng thời có thể chuyển tiền trực tiếp chứ không cần qua ngân hàng ở nước thứ ba. Cơ quan này cũng sẽ cấp giấy phép du lịch đặc biệt cho các chuyến thăm gia đình hoặc theo các chương trình trao đổi giáo dục, văn hóa, tôn giáo hay thông qua các dự án hỗ trợ nhân đạo. Bộ Thương mại Mỹ sẽ nới lỏng danh mục xuất khẩu hàng hóa như trang thiết bị kỹ thuật cho các công ty xây dựng, viễn thông, công nghệ phần mềm, nông nghiệp, ô-tô và đồ trang sức cùng các bản quyền khoa học, dụng cụ thể thao và âm nhạc cho Cuba.

Kể từ khi ông Obama lên nắm quyền năm 2008, trao đổi thương mại song phương Mỹ-Cuba đã tăng lên nhanh chóng, từ 401 triệu USD lên 962 triệu USD hồi năm ngoái. Theo một nghiên cứu mới đưa ra, một khi lệnh cấm vận được nới lỏng, kim ngạch thương mại hai nước sẽ lập tức vượt hơn 10 tỉ USD/năm.

Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Obama trong một cuộc gặp ở Nam Phi hồi tháng 10-2013. Ảnh: NPR

 

Bộ Ngoại giao Mỹ thì có thể xem xét rút Cuba ra khỏi danh dách các quốc gia tài trợ khủng bố, điều này sẽ giúp Havana giao dịch và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng trên khắp thế giới. Ngoài ra, theo bà Jacobson, Tổng thống Obama có thể quyết định mở cửa đại sứ quán Mỹ tại Havana trước khi đề cử đại sứ vốn đòi hỏi sự ủng hộ của quốc hội. Mỹ không cần xây dựng đại sứ quán mới tại Havana vì có thể sử dụng văn phòng đại diện quyền lợi hiện hữu. Bà Jacobson sẽ sang Havana vào cuối tháng Giêng năm 2015 để bắt đầu cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên cho tiến trình khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hôm 18-12 thậm chí tuyên bố Washington có thể đón chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Raul Castro.

Giới chức Nhà Trắng cho biết họ đã mất nhiều tháng để nghiên cứu cách thức mà Tổng thống Obama có thể đơn phương nới lỏng giao dịch thương mại và tài chính với Cuba mà không vi phạm lệnh cấm vận của quốc hội.

Như đã biết, Quốc hội lưỡng viện Mỹ vào đầu năm 2015 đều do phe Cộng hòa kiểm soát và các chủ trương tăng cường giao dịch với Cuba của ông Obama sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Ngay cả một số nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ cũng phản đối thỏa thuận lịch sử vừa đạt được với Cuba.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự chống đối đó có thể thay đổi bởi phần lớn cử tri Mỹ muốn có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Cuba. Cụ thể, có hơn 40% dân Mỹ ủng hộ nối lại quan hệ ngoại giao với Havana, so với 20% phản đối và 39% do dự. Các doanh nghiệp cũng đã tới Cuba và họ nhận thấy nhiều tiềm năng kinh tế, thương mại tại "hòn đảo tự do" có gần 11,2 triệu dân này. Cuba tuy được coi là nước nghèo nhưng có tổng sản phẩm quốc nội tính theo sức mua ngang giá năm 2011 lên tới 212 tỉ USD. Từ khi thực hiện chính sách cập nhật kinh tế cuối năm 2011, quốc đảo thanh bình này có khoảng 450.000 doanh nghiệp nhỏ được thành lập mới và đây là các đối tác làm ăn cho các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài.

Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán bình thường hóa quan hệ với Cuba và Mỹ không thể chậm chân trong tiến trình đổi mới của thời cuộc.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết