29/03/2020 - 07:14

Nhìn lưỡi, chẩn bệnh cho bản thân 

Khi đề cập đến sức khỏe răng miệng, mọi người nghĩ ngay đến việc làm sạch răng. Trên thực tế, lưỡi cũng là bộ phận quan trọng cần chú ý, bởi việc quan sát những dấu hiệu bất thường của lưỡi có thể giúp nhận diện nhiều bệnh.

Những thay đổi về hình dạng, màu sắc của lưỡi có thể giúp nhận biết sức khỏe có vấn đề. Ảnh: Daily Mail

Lưỡi trông như mọc lông

Tiến sĩ Anna See - một chuyên gia tư vấn về tai mũi họng cho Bệnh viện Đa khoa Singapore - cho biết, việc tích tụ các mảnh vụn thức ăn và tế bào chết - cùng với việc vệ sinh răng miệng kém - dễ làm hình thành lớp mô màu nâu hoặc đen giống như lông trên bề mặt lưỡi. Không chỉ gây mất thẩm mỹ, tình trạng lưỡi “mọc lông” còn tạo ra vị kim loại, gây mùi hôi hoặc ngứa ran trong miệng.

Thông thường, “lông lưỡi” có thể được loại bỏ bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi. Nhưng nếu mắc bệnh bạch sản niêm mạc miệng dạng lông do nhiễm virus Epstein Barr, thì “lông lưỡi” khó được loại bỏ và vẫn tái phát sau khi cạo, cần đến bác sĩ điều trị.

Lưỡi giống miếng thịt sống

Nếu thấy lưỡi mềm và có vẻ sưng đỏ, bạn có thể đã mắc chứng viêm lưỡi - một dạng viêm khiến các gai thịt trên lưỡi biến mất và làm lưỡi trông giống như miếng thịt bò sống. Theo Tiến sĩ See, tình trạng này liên quan với việc thiếu hụt vitamin B12 và sắt trong cơ thể. Ngoài ra, việc dùng một số loại thuốc cao huyết áp, thực phẩm nhiều gia vị và kem đánh răng cũng có thể dẫn tới phản ứng dị ứng này.

Bổ sung sắt, vitamin B12 và tránh các tác nhân gây kích ứng lưỡi sẽ giúp ích, nhưng nếu tình trạng lưỡi sưng đỏ vẫn không cải thiện hoặc tái phát, người bệnh nên đi khám để được điều trị đúng hướng.

Lưỡi sưng, đau và loét

Tiến sĩ See cho biết các vết sưng trên lưỡi có thể gây ra bởi tình trạng viêm, thường là do dùng thuốc, thiếu dinh dưỡng hoặc liên tục kích thích miệng. Còn các vết loét gây đau có thể là do lưỡi nhiễm virus và phải được chữa lành trong 2 tuần. Tốt nhất là bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để điều trị dứt điểm.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lim Keng - một chuyên gia tai-mũi-họng tại Bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore), cho biết vết sưng nhỏ không đau trên lưỡi có thể là dấu hiệu của bệnh giang mai. Nếu không được điều trị, nó tiến triển thành bệnh bạch sản giang mai, với các triệu chứng khác bao gồm đau đầu, đau khớp và sốt.

Lưỡi có các mảng trắng loang lổ

Theo Tiến sĩ Lim, nguyên nhân lưỡi loang lổ trông như hình bản đồ là vì các mảng tế bào trên bề mặt lưỡi đảo lộn. Tình trạng này không liên quan đến nguy cơ ung thư và không cần điều trị, song bạn cần tránh dùng thực phẩm đậm vị gây cảm giác khó chịu cho lưỡi.

Lưỡi nứt nẻ, nhưng không đau

Đây là một bệnh lành tính, xuất hiện khi các rãnh sâu hoặc khe nứt hình thành trên bề mặt lưỡi. Tuy không cần điều trị, nhưng bệnh nhân phải tăng cường vệ sinh răng miệng để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn bị kẹt trong các rãnh sâu trên lưỡi.

Lưỡi trông như đóng phô mai tươi

Những phần da có màu kem, trắng và hơi nổi trên lưỡi hoặc ở má trong có thể là dấu hiệu của bệnh tưa miệng - một dạng nhiễm trùng do nấm candida. Sự phát triển quá mức của nấm xảy ra do lạm dụng kháng sinh, bị bệnh tiểu đường, thiếu sắt và vitamin B12, vệ sinh răng miệng kém, hệ miễn dịch yếu, hút thuốc, suy giáp và điều trị ung thư.

AN NHIÊN (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết