04/01/2009 - 08:13

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Nhiều trường còn lúng túng

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xác định kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục đại học (GDĐH) là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đến tháng 5-2009, phấn đấu có 90% trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Tuy nhiên, hiện nay các trường ĐH, CĐ vẫn còn không ít khó khăn, lúng túng trong việc triển khai KĐCLGD.

NỀN TẢNG ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai KĐCL GDĐH theo mô hình được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Đó là quá trình tự đánh giá của các cơ sở giáo dục ĐH và sau đó thực hiện đánh giá ngoài (các cơ sở bên ngoài đánh giá chất lượng giáo dục của đơn vị) bởi một tổ chức không thuộc các cơ sở giáo dục đó để công nhận tiêu chuẩn chất lượng. Có thể nói, việc xác định xuất phát điểm, khẳng định được vị trí hiện tại của đơn vị... là điều quan trọng để các trường có kế hoạch duy trì, cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo.

Giáo sư Tiến sĩ Đào Xuân Ngọc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Một trong 6 yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường là: đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, tài liệu - giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, hệ thống KĐCL và cơ sở vật chất. Trong đó, KĐCL rất quan trọng, quyết định “thương hiệu” của mỗi trường”.

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đang truy cập mạng internet tại Trung tâm học liệu. Ảnh:B.NG 

Năm 2004, Trường ĐH Cần Thơ là một trong 10 trường ĐH triển khai công tác tự đánh giá và năm 2005 bắt đầu đánh giá ngoài. Trường đang chờ Bộ GD&ĐT công nhận kết quả đánh giá. Từ cuối tháng 6-2008 đến tháng 9-2008, trường tiến hành tự đánh giá 15 chương trình giáo dục và tiếp theo tiến hành kiểm toán nội bộ, báo cáo kết quả. Trường cũng đã thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, do Dự án Giáo dục Việt Nam- Hà Lan hỗ trợ. Trung tâm tư vấn cho Ban giám hiệu những mô hình, tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục để chọn lọc và áp dụng.

Ông Nguyễn Khánh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, Trường ĐH Cần Thơ, nói: “Đánh giá môn học và đánh giá chương trình là những hoạt động đảm bảo chất lượng. Việc triển khai thực hiện KĐCL góp phần nâng cao hơn chất lượng đào tạo của trường”. Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng, TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Ban Giám hiệu rất quan tâm đến công tác KĐCL GDĐH, vì đây là thước đo chất lượng đào tạo ở từng trường.

Qua nhiều năm triển khai hoạt động KĐCL tại các trường ĐH và CĐ, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, công tác KĐCL ở các trường đã đạt được những kết quả bước đầu. Công tác tự đánh giá của các trường ĐH, CĐ được chú trọng. Hơn 3 năm qua, 173 trường ĐH, 178 trường CĐ đã và đang triển khai tự đánh giá. Trong đó, có 20 trường ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá, đã được đánh giá ngoài và đang chờ xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 27 trường ĐH, 16 trường CĐ và 10 chương trình CĐ đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, đang chờ đánh giá ngoài...

THỰC HIỆN KĐCL: VẪN CÒN KHÓ KHĂN, LÚNG TÚNG

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đến tháng 5-2009, phấn đấu 90% trường ĐH, CĐ trong cả nước hoàn thành báo cáo tự đánh giá; đến năm 2010 có ít nhất 80% trường ĐH, 50% trường CĐ trong cả nước được đánh giá ngoài; đến năm 2015 có 90% trường ĐH, CĐ được kiểm định ít nhất 1 lần... Những chỉ tiêu đưa ra khiến lãnh đạo các trường ĐH, CĐ băn khoăn bởi đến nay vẫn còn hơn 210 trường ĐH, CĐ chưa có trung tâm, phòng, tổ chức hoặc bộ phận chuyên trách công tác KĐCL. Tiến sĩ Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và KĐCLGD (Bộ GD&ĐT), nói: “Ngay cả đối với đơn vị chuyên trách đã được thành lập, vẫn chưa có các quy định thống nhất về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ nên triển khai chưa đồng bộ, còn lúng túng và kém hiệu quả. Có trường thành lập đơn vị KĐCL nhưng lại giải thể do không rõ chức năng, nhiệm vụ...”.

Vấn đề khiến các trường phải “đau đầu” là đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực KĐCL GDĐH còn thiếu, yếu. PGS.TS Trịnh Thị Bình, Trường ĐH Huế, cho biết: “Đội ngũ KĐCL của ĐH Huế là những cán bộ giảng dạy, đảm trách công việc theo kiểu “vừa làm, vừa học”, thiếu chuyên môn nên không tránh khỏi sự lúng túng”. Tiến sĩ Nguyễn An Ninh cũng thừa nhận: “Hầu hết cán bộ làm công tác KĐCLGD đều mới và chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ”. Mặc dù hiện có rất nhiều chương trình đào tạo cán bộ KĐCLGD nhưng lại chưa được quan tâm. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế Quốc Dân, Hà Nội đã tổ chức 2 khóa thạc sĩ đo lường đánh giá giáo dục trong nước nhưng rất ít đơn vị cử cán bộ đi học. Hằng năm, Chính phủ Australia có chương trình học bổng ADS hoặc học bổng nỗ lực (Endeavour Award) cho nhiều ngành, nhưng rất ít người quan tâm đăng ký học về đo lường, đánh giá và KĐCLGD.

Theo đánh giá của Cục Khảo thí và KĐCLGD, tuy nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các trường ĐH, CĐ nói riêng và toàn xã hội nói chung, về công tác đánh giá và KĐCLGD đã có sự chuyển biến nhưng chưa thật sự sâu sắc. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nói: “Lãnh đạo nhà trường chưa quan tâm đúng mức đối với công tác KĐCL nội bộ. Khi tiến hành đánh giá thí điểm, nhiều thành viên trong ban lãnh đạo các khoa còn cho rằng đây là việc chiếm nhiều thời gian, không thiết thực, do đó chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Hầu như rất ít giảng viên, sinh viên của trường hiểu về tầm quan trọng của việc KĐCLGD”. Theo ông Nguyễn Văn Năm, Trường CĐ Y tế Bình Thuận, nguyên nhân khiến một số giảng viên chưa tha thiết với KĐCLGD vì đây chỉ là công việc kiêm nhiệm, mất nhiều thời gian mà lại không có kinh phí.

Theo đại diện Trường ĐH Vinh, để phát huy hiệu quả công tác KĐCLGD, trước hết cần nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ trực tiếp làm công tác này. Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch, chủ trương chung về tài chính và sớm công bố chuẩn chất lượng để các trường nỗ lực phấn đấu. Ông Nguyễn Khánh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, Trường ĐH Cần Thơ, góp ý: “Bộ GD&ĐT cần xây dựng các định hướng xác thực, cũng như phân bổ kinh phí cho hoạt động KĐCL như các hoạt động khác trong hệ thống giáo dục”.

*

* *

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng việc thực hiện KĐCL GDĐH có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng đào tạo ở mỗi trường. Theo tiến sĩ Nguyễn An Ninh, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai chủ đề năm học 2009-2010 là “Năm học đánh giá chất lượng giáo dục”. Tiến sĩ Nguyễn An Ninh nhấn mạnh: “Các trường ĐH, CĐ cần nhanh chóng thành lập đơn vị làm công tác khảo thí và KĐCL theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Ưu tiên lựa chọn cán bộ có năng lực để bố trí làm công tác này; có kế hoạch và chính sách ưu đãi để khuyến khích các cán bộ trẻ đi học về đo lường đánh giá trong và ngoài nước”.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết