08/11/2019 - 14:47

Nhiều nước quyết tâm đẩy lùi nạn nghiện game ở giới trẻ 

Trong nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn chứng nghiện game trong giới trẻ, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành những quy định về chơi game đối với những đối tượng từ 18 tuổi trở xuống.

Người trẻ chơi game trực tuyến tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Asia One

Quy định mới sẽ áp dụng đối với tất cả các hãng game trực tuyến đang hoạt động tại Trung Quốc, nhất là công ty sản xuất trò chơi điện tử lớn nhất thế giới- Tencent. Theo đó, game thủ dưới 18 tuổi bị cấm chơi game trực tuyến trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 8 giờ sáng. Vào những ngày trong tuần, các em chỉ có tối đa 90 phút chơi game/ngày, nhưng dịp cuối tuần và nghỉ lễ thời lượng này có thể lên tới 3 tiếng đồng hồ/ngày. Những chỉ đạo mới cũng hạn chế lượng tiền mà các em có thể nạp vào tài khoản để chơi game. Cụ thể, những game thủ trong độ tuổi 8-16 chỉ được nạp tối đa 29 USD/tháng và 57 USD đối với những người 16-18 tuổi.

Ngoài ra, chính quyền cũng đang hợp tác với cảnh sát để thiết lập hệ thống đăng ký tên thật khắt khe hơn và lần đầu tiên giới thiệu hệ thống xếp loại tuổi, cho phép các công ty game đối chiếu danh tính người dùng với cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo nhà phân tích game Daniel Ahmad, hai hệ thống này có thể sẽ tác động lớn nhất đối với những người chơi game trong độ tuổi vị thành niên vì các em sẽ rất khó qua mặt chúng. Về phần mình, những công ty sản xuất game bị phát hiện vi phạm quy định sẽ đối mặt với một loạt hình phạt, nặng nhất là bị tước quyền xuất bản các trò chơi.

Bước đi trên được xem là nhằm tạo ra “không gian Internet trong sạch” cũng như “bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của những em nhỏ”. Ngành game di động ở Trung Quốc đang phát triển nhanh và đây cũng là công cụ giải trí của người dân. Trung Quốc hiện là thị trường game lớn nhất thế giới, chiếm ¼ doanh thu toàn cầu, theo hãng nghiên cứu thị trường Newzoo. Tổng doanh thu từ game của nước này trong năm ngoái đạt 38 tỉ USD. Trong khi đó, trẻ vị thành niên chiếm khoảng 20% số lượng người dùng Internet tại Trung Quốc. Thực trạng một bộ phận trẻ vị thành viên mê game và tiêu quá nhiều tiền vào hoạt động này đã khiến dư luận lo ngại. Do vậy, giới chức Trung Quốc siết chặt các quy định đối với công nghiệp game ở nước này. Chẳng hạn hồi tháng 8-2018, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch hạn chế số lượng game trực tuyến mới phát hành nhằm giảm tật cận thị ở trẻ em và thanh niên, đồng thời phê phán game di động “Honour of Kings” của Tencent.

Hãng Tencent đạt doanh thu 18,3 tỉ USD từ các trò chơi trong năm 2018. Nhưng sau khi hứng chịu những chỉ trích từ truyền thông nhà nước, “gã khổng lồ” này đã phải công bố những biện pháp ngăn chặn nghiện đối với 31 tựa game phổ biến nhất do hãng cung cấp, bao gồm “Honour of Kings”. Theo đó, thời gian chơi các tựa game này bị hạn chế xuống còn 60 phút đối với trẻ dưới 12 tuổi và 120 phút đối với trẻ từ 12-18 tuổi, chỉ chơi trong khoảng 8 giờ sáng đến 21 giờ.

Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới cũng hối hả tìm giải pháp đẩy lùi “chứng” nghiện game trong giới trẻ. Đơn cử như ở Nhật Bản, người chơi sẽ được cảnh báo khi “cày game” vượt quá một khoảng thời gian cụ thể theo quy định mỗi tháng.

Còn tại Hàn Quốc, chính phủ đã ban hành luật cấm chơi game trực tuyến đối với trẻ em dưới 16 tuổi trong khoảng thời gian từ nửa đêm cho tới 6 giờ sáng mỗi ngày. Năm 2011, xứ sở kim chi thông qua Luật Cinderella, yêu cầu các game phải cài tính năng tự động ngắt đường truy cập của những trẻ từ 15 tuổi trở xuống sau nửa đêm. Có thể vào năm 2025, Seoul sẽ bổ sung “chứng rối loạn chơi game” vào hệ thống “Phân loại bệnh tiêu chuẩn Hàn Quốc”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận nghiện game là bệnh tâm thần. Những dấu hiệu nghiện game là mất kiểm soát và ưu tiên dành thời gian chơi hơn là ăn, ngủ, học và ở cùng gia đình. WHO ước tính có 2-3% người chơi game bị nghiện, nhưng thực tế con số này còn cao hơn.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, 7news)

 

Chia sẻ bài viết