22/02/2009 - 21:47

Nhiệm vụ bất khả thi!

Thâm hụt ngân sách đang là vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo Mỹ.

Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ công bố kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang từ mức 1.300 tỉ USD lúc ông nhậm chức hồi tháng rồi, xuống 533 tỉ USD khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2013. Nói cách khác, thâm hụt ngân sách của nền kinh tế số 1 thế giới sẽ giảm từ mức 9,2% GDP hiện nay xuống còn 3% GDP trong 4 năm nữa. Hiện ngân sách hàng năm của Mỹ vào khoảng 3.000 tỉ USD, tương đương 22% GDP.

Để làm được điều đó, thứ nhất, ông Obama sẽ cắt giảm chi tiêu cho cuộc chiến ở Iraq. Từ năm 2003 tới nay, “cuộc chiến chống khủng bố” tại Iraq và Afghanistan ngốn của người đóng thuế Mỹ tổng cộng hơn 800 tỉ USD. Tổng thống Obama cam kết trong 16 tháng cầm quyền đầu tiên sẽ rút hầu hết binh sĩ chiến đấu ra khỏi quốc gia vùng Vịnh, giúp Mỹ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể (Mỹ có khoảng 160.000 binh sĩ tại Iraq). Thứ hai, sau khi chương trình cắt giảm thuế cho nhà giàu của người tiền nhiệm George Bush kết thúc vào cuối năm tới, ông Obama sẽ tăng thuế đánh vào những người có thu nhập trên 250.000 USD/năm. Thứ ba là vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sẽ tinh gọn bộ máy chính phủ và mạnh tay loại bỏ những chương trình không hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cắt giảm thâm hụt ngân sách hơn một nửa trong vòng 4 năm là một mục tiêu xa vời ngay cả trong lúc nền kinh tế “mạnh khỏe”, do đó nó càng khó khăn hơn, thậm chí là bất khả thi, khi kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu đang suy thoái. Một số nhà kinh tế tư nhân dự báo thâm hụt của Mỹ trong tài khóa hiện hành (bắt đầu từ tháng 10-2008) sẽ lên tới 1.600 tỉ USD. Còn theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, thâm hụt năm nay ít nhất là 1.200 tỉ USD, nhưng đó chỉ mới bao gồm gói giải cứu tài chính trị giá 700 tỉ USD được chính quyền Bush đề xuất và Quốc hội thông qua cuối năm ngoái, chứ chưa tính đến gói kích thích kinh tế 787 tỉ USD mà ông Obama vừa ký thành luật. Mỹ cũng khó giảm mạnh mức thâm hụt ngân sách khi mà trong 4 năm tới sẽ có thêm hàng chục triệu người thuộc thế hệ “baby boom” (những người sinh ra vào giai đoạn bùng nổ dân số 1946-1964) nghỉ hưu, gây áp lực rất lớn lên hệ thống hưu trí và y tế cũng như nguồn thu ngân sách. Chính Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Peter Orszag gần đây cũng thừa nhận rằng ngay cả sau khi kinh tế Mỹ hồi phục thì thâm hụt ngân sách liên bang hàng năm cũng sẽ ở vào mức 750 tỉ USD.

Không khó để nhận thấy quyết tâm kiểm soát thâm hụt ngân sách liên bang của tân chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng vấn đề là làm thế nào ông Obama có thể cắt giảm mạnh thâm hụt ngân sách trong khi nguồn thu giảm (do kinh tế suy thoái) và chính phủ phải chi hàng ngàn tỉ USD để giải cứu tài chính và kích thích kinh tế?

Các nhà phân tích cho rằng đó là nhiệm vụ bất khả thi!

LÊ DÂN (Theo Bloomberg, FOXNews)

Chia sẻ bài viết