04/03/2021 - 09:40

Nhật tìm cách lãnh đạo các tổ chức quốc tế 

Nhật Bản vừa công bố kế hoạch đào tạo thế hệ mới các chuyên gia và những nhà ngoại giao hội đủ tố chất cùng kinh nghiệm, có thể đảm trách vai trò quan trọng trong các tổ chức quốc tế để cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại nhiều cơ quan liên chính phủ.

Hiện không có người Nhật nào điều hành các tổ chức thuộc LHQ. Ảnh: Japan Times

Hiện không có người Nhật nào điều hành các tổ chức thuộc LHQ. Ảnh: Japan Times

Ban Thư ký An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao sẽ đi đầu trong nỗ lực đưa thêm người vào các vị trí cấp cao trong Liên Hiệp Quốc (LHQ) và những tổ chức đa phương khác. Về cơ bản, Tokyo sẽ xác định vị trí chiến lược trong các cơ quan quốc tế, đặc biệt một số lĩnh vực chủ chốt như kinh tế và an ninh; sau đó cố gắng giới thiệu người của mình vào. Trước mắt, một ủy ban sẽ được thành lập với trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả. Nhật Bản cũng phối hợp với Mỹ và những nước châu Âu chia sẻ các giá trị chung để tăng cường vận động hành lang.

Theo giới quan sát, Nhật Bản từng rất năng nổ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu nước này, Koichiro Matsuura, đã đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO) trong một thập kỷ kể từ khi được bầu vào năm 1999. Trong khi đó, ông Yukiya Amano cũng trở thành người châu Á đầu tiên được bầu làm Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế từ năm 2009 cho đến khi qua đời cách đây hai năm. Quan chức ngoại giao khác của Nhật Bản, Koji Sekimizu giữ cương vị Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế giai đoạn 2012-2016 trong khi bà Sadako Ogata giành được nhiều khen ngợi trong thời gian giữ chức Cao ủy LHQ về người tị nạn từ năm 1991 đến năm 2000.

Nhưng những năm gần đây, chuyên gia Patrick Hein tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo cho biết Nhật Bản dường như đứng ngoài sân khấu toàn cầu khi không tạo được ảnh hưởng trong nhiều vấn đề lớn hoặc xu thế chính trị trên thế giới. Ngược lại, Trung Quốc ngày càng có tiếng nói khi tích cực đưa người vào LHQ. Hiện có 4/15 cơ quan của LHQ do người Trung Quốc đứng đầu, bao gồm Tổ chức Lương Nông, Tổ chức Phát triển Công nghiệp, Liên minh Viễn thông Quốc tế và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Song, Bắc Kinh vấp phải chỉ trích dùng tiền để đổi lấy các lá phiếu. Chẳng hạn như năm 2019, Cameroon rút ứng viên khỏi vị trí Tổng Thư ký Tổ chức Lương Nông LHQ sau khi Trung Quốc đồng ý cho quốc gia Tây Phi hoãn trả nợ. Sau đó ứng viên người Trung Quốc đã trúng cử.

Bên cạnh ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, sự nổi lên của Hàn Quốc trong các tổ chức quốc tế cũng khiến Nhật Bản quan tâm, đặc biệt sau thông tin Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoo Myung-hee tranh cử vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với tranh chấp kéo dài giữa hai nước về quy chế xuất khẩu, Tokyo lo ngại bà Yoo đắc cử sẽ bất lợi cho Nhật Bản nếu phải đưa vấn đề lên WTO giải quyết. Tuy ứng viên Hàn Quốc đầu tháng 2 đã rút khỏi danh sách cuối cùng, nhưng diễn biến này không làm giảm bất an từ chính quyền Thủ tướng Suga Yoshihide trước dấu hiệu rõ ràng về vị thế và ảnh hưởng của Tokyo đang giảm dần trên trường quốc tế.

Năm ngoái, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi trong bài phát biểu kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ đã lên tiếng kêu gọi mở rộng Hội đồng Bảo an (HĐBA) vốn gồm 5 nước thường trực (Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc) cùng 10 quốc gia không thường trực nhiệm kỳ 2 năm. Ông Motegi nhấn mạnh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế với tư cách thành viên thường trực HĐBA. Ngoài vận động thay đổi cấu trúc các tổ chức đa phương như trên, một quan chức ngoại giao Nhật Bản nói rằng chính phủ cần có biện pháp đưa đúng người vào đúng các vị trí, từ đó gia tăng sức ảnh hưởng tại các diễn đàn quốc tế. Bên cạnh đó, quan chức này cho rằng cần khắc phục một số vấn đề nội tại chẳng hạn như việc ít người Nhật Bản giao tiếp hiệu quả bằng ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh. Không chỉ vậy, các nhà ngoại giao trong nước cũng thường miễn cưỡng đảm nhận các vị trí cấp cao vốn chịu nhiều áp lực. Thay vào đó, họ chuộng những vai trò ít đòi hỏi và được trả lương cao hơn tại các trường đại học hay các tổ chức tư vấn.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết