18/04/2024 - 08:31

Nhật “tái khởi động” quan hệ cùng có lợi với Trung Quốc 

Trong Sách Xanh Ngoại giao năm 2024 vừa được công bố, Nhật Bản cam kết theo đuổi “quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chung” với Trung Quốc ngay cả khi 2 nước vẫn còn bất đồng về nhiều vấn đề. Sự thay đổi trong cách diễn đạt này cho thấy Tokyo đang cố gắng giảm thiểu rủi ro về kinh tế và an ninh trong mối quan hệ song phương.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm ngoái tại Mỹ. Ảnh: Kyodo

Như vậy, đây lần đầu sau 5 năm Chính phủ Nhật Bản mô tả rõ ràng mối quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh là “quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi”, qua đó phản ánh những kết quả đạt được sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm ngoái tại Mỹ. Tại cuộc gặp, 2 nhà lãnh đạo được cho là đã tái khẳng định lập trường thúc đẩy hơn nữa quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi, đồng thời cam kết hợp tác ứng phó với các thách thức chung, cũng như xây dựng quan hệ song phương ổn định.

Song, Sách Xanh cũng thừa nhận quan hệ giữa 2 nước còn tồn tại “nhiều thách thức và mối quan tâm”. Tokyo xem việc tăng cường quân sự của Bắc Kinh là “vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế”, coi đây là “thách thức chiến lược lớn nhất trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh”. Tài liệu cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về “nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng” và “một loạt hành động nguy hiểm” ở Biển Đông.

Ngoài ra, Sách Xanh còn nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ ngoại giao giữa Nhật Bản với các đồng minh và các quốc gia cùng chí hướng, như Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7); Tứ giác kim cương (QUAD, gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ); mối quan hệ 3 bên Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tài liệu cũng cho biết Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ “tăng cường hơn nữa sự phối hợp và theo đuổi mối quan hệ hợp tác cụ thể hơn”.

Đáng chú ý, tài liệu mô tả Hàn Quốc là “quốc gia láng giềng quan trọng” mà Nhật Bản nên hợp tác “với tư cách là đối tác để giải quyết các vấn đề khác nhau của cộng đồng quốc tế”. “Với môi trường an ninh nghiêm trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết” - Sách Xanh có đoạn viết.

Đề cập tới Triều Tiên, Sách Xanh cho biết mục tiêu của Thủ tướng Kishida là sớm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Trong khi đó, về phần Nga, tài liệu nhấn mạnh sự cảnh giác trước động thái của Mát-xcơ-va tăng cường quan hệ không chỉ với Bắc Kinh mà cả Bình Nhưỡng. Tài liệu lo ngại việc Triều Tiên chuyển giao vũ khí cho Nga có thể làm xấu đi tình hình ở Ukraine trong bối cảnh Kiev căng mình chống “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động. Theo tài liệu này, để tăng cường tính răn đe, điều cần thiết là phải hợp tác với các quốc gia cùng quan điểm và xây dựng các “mạng lưới đa tầng” xoay quanh liên minh Mỹ - Nhật.

Bắc Kinh đã bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” đối với Sách Xanh của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói rằng tài liệu này chứa “những lời sáo rỗng nhằm bôi nhọ và cáo buộc Trung Quốc, phóng đại cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc và can thiệp một cách vô lý vào công việc nội bộ” của quốc gia này. Ông Lâm trong một cuộc họp báo kêu gọi Nhật Bản “sữa chữa sai trái” và nỗ lực hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ Bắc Kinh - Tokyo mang tính xây dựng và ổn định, đáp ứng các yêu cầu của kỷ nguyên mới.

Sách Xanh ngoại giao là tài liệu chính thức, có nội dung tổng kết, đánh giá của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về tình hình quốc tế, khu vực, các đối tác - đối tượng chủ yếu của nước này, đồng thời định hướng chính sách ngoại giao trong năm 2024 của Nhật Bản. Trong những năm trước đây, các nước láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Triều Tiên thường xuyên đưa ra các quan điểm phản đối một số nội dung liên quan tài liệu này.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết