01/04/2018 - 07:20

Nhật sẽ tham gia “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc? 

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công dẫn các nguồn tin ngoại giao và thương mại cho biết, Nhật Bản có thể sớm tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối hạ tầng và thúc đẩy thương mại với các nước từ châu Á đến châu Phi - khi mà cả hai đều mong muốn hợp tác kinh doanh ở các nước thứ ba.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai tại Hội nghị thượng đỉnh về BRI. Ảnh: SCMP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai tại Hội nghị thượng đỉnh về BRI. Ảnh: SCMP

Đối mặt với sự không chắc chắn về vai trò lãnh đạo toàn cầu của đồng minh truyền thống là Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, Nhật Bản ban đầu tỏ ra thận trọng đối với BRI nhưng nay lại có ý định tham gia vào sáng kiến này. Theo SCMP, một trong những dấu hiệu đầu tiên là việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cử Toshihiro Nikai, Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh về BRI được  tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 5 năm ngoái. Và trong bối cảnh Bắc Kinh và Tokyo tiến tới cải thiện quan hệ sau nhiều năm bế tắc xung quanh tranh chấp lãnh thổ và lịch sử, BRI dự kiến sẽ được đưa vào chương trình nghị sự trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sắp tới.

“Mối quan tâm của Thủ tướng Abe đối với BRI dường như là một trong những yếu tố chính dẫn tới việc cải thiện quan hệ song phương. Phía Trung Quốc cũng đã bày tỏ mong muốn Nhật Bản tham gia vào BRI trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono hồi tháng 1” - một nhà ngoại giao giấu tên nhận định. Theo nhà ngoại giao này, Tokyo có thể tham gia vào BRI bằng các thương vụ hợp tác với Bắc Kinh tại các nước thứ ba theo chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản. Không những vậy, báo Yomiuri Shimbun hồi tháng 12 năm ngoái cho biết, Nhật Bản còn cân nhắc mời Trung Quốc tham gia vào “các dự án do Nhật Bản tài trợ ở châu Phi”, trong đó có dự án xây dựng các tuyến đường dài tổng cộng 4.200km với mục tiêu mang sự phát triển tới Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Ghana, Benin và Tây Nigeria, cũng như dự án xây dựng “hành lang quốc tế” nối các thành phố của Cameroon với Congo.

Giới chuyên gia nhận định, tham gia vào BRI sẽ cho phép Tokyo theo đuổi một số mục tiêu kinh tế quan trọng thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ngoài. Đồng thời, sáng kiến này cũng có thể thúc đẩy các công ty Nhật Bản tìm kiếm cơ hội kinh doanh dọc theo tuyến BRI. Takeo Donoue, tổng giám đốc văn phòng Bắc Kinh của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), cho biết các công ty Nhật Bản đang nghiên cứu khả năng tham gia vào BRI, đặc biệt là các dự án về năng lượng, môi trường và khu công nghiệp ở Đông Nam Á.

Song, khi hợp tác với Trung Quốc, các công ty Nhật Bản quan ngại về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch về tài chính và việc phân phối lợi nhuận của BRI. Ngoài ra, BRI được cho cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức chính trị đối với Nhật Bản.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết