16/02/2025 - 17:37

Nhật Bản muốn “tối đa hóa” năng lượng hạt nhân 

Hơn một thập kỷ sau sự cố tan chảy 3 lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima Daiichi, Nhật Bản lần nữa muốn tăng cường năng lượng hạt nhân khi quốc gia Đông Á vật lộn giữa mục tiêu phát thải và củng cố an ninh năng lượng.

Khoảng 470.000 người buộc phải sơ tán trong những ngày đầu tiên sau khi trận sóng thần tấn công nhà máy điện Fukushima Daiichi. Ảnh: Kyodo

Chỉ trong một buổi chiều, một ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ USD đã phá sản. Đó là vào ngày 11-3-2011, trận động đất lên tới 9,0 độ richter gây ra sóng thần ập vào bờ biển Đông Bắc Nhật Bản, phá hủy 120.000 tòa nhà và khiến ít nhất 20.000 người tử vong. Thảm họa kép đồng thời kéo theo các sự cố liên tiếp tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo, buộc hơn 100.000 người phải di dời và gây hoảng loạn trên toàn cầu. Tính đến năm 2021, khoảng 371 km2 đất ở 7 thành phố thuộc Fukushima được xác định là “khu vực khó quay trở lại” và vẫn bỏ hoang với con số thiệt hại thực sự không thể tính toán trong nhiều thập niên nữa.

Trước khi thảm họa xảy ra, Nhật Bản có 54 lò phản ứng hạt nhân hoạt động để cung cấp 30% năng lượng của cả nước. Tới năm 2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết chỉ 14 cơ sở trong số đó khôi phục hoạt động và cung cấp chưa đến 9% điện năng. Nhưng trong bản dự thảo Kế hoạch Năng lượng Chiến lược dự kiến ​​được nội các Nhật Bản phê duyệt tháng này, năng lượng hạt nhân có dấu hiệu quay trở lại khi Tokyo muốn từ bỏ nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng thu được từ công nghệ nguyên tử.

Trong 14 năm, việc phải đóng cửa tất cả lò phản ứng sau thảm họa Fukushima khiến Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Hiện Nhật là quốc gia nhập khẩu than lớn thứ 3 thế giới và khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ 2. Dù vậy, nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp hạt nhân tiếp tục bị đình trệ do vấp phải phản đối của các nhà vận động vì khí hậu. “Nhiều nhà máy điện hạt nhân đã cũ và công nghệ sử dụng thậm chí lạc hậu hơn. Để cải tạo cần rất nhiều kinh phí, cho nên việc vận hành các nhà máy hiện có không còn khả thi về thương mại” - Aileen Smith thuộc nhóm vận động Green Action trụ sở tại Kyoto cho biết. Nhóm này cùng nhiều tổ chức khác đã đệ đơn kiện hầu hết hoạt động khởi động lại lò phản ứng.

Cùng với thách thức pháp lý, các công ty điện lực Nhật Bản còn vật lộn với những cơ quan quản lý độc lập về tiêu chuẩn an toàn. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư rút khỏi ngành điện hạt nhân, dù chính phủ vẫn có đường lối chính sách ủng hộ. Đến năm 2022, cuộc chiến ở Ukraine bùng phát và sự gián đoạn sau đó của thị trường năng lượng toàn cầu làm dấy lên lo ngại Nhật Bản phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh nguy cơ an ninh năng lượng, nhu cầu cao về năng lượng trước sự phát triển thần tốc của các trung tâm dữ liệu và nhiều ngành công nghiệp tăng trưởng như điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo góp phần đưa năng lượng hạt nhân trở lại chương trình nghị sự.

Theo tài liệu mới được công bố, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã lược bỏ phần tham chiếu “giảm phụ thuộc” để thay bằng lời kêu gọi “tối đa hóa” năng lượng hạt nhân. Giả dụ 30 lò phản ứng hoạt động hết công suất, ngành công nghiệp hạt nhân đến năm 2040 chiếm khoảng 20% ​​tổng sản lượng năng lượng ở Nhật. Kế hoạch trên sẽ giảm điện đốt than từ mức 70% hiện tại xuống còn 30-40%; đồng thời nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo lên 50% so với dưới 1/3 hồi năm 2023.

Các chuyên gia cho biết, Nhật Bản không còn nhiều thời gian để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Nếu không đạt được mục tiêu về năng lượng tái tạo hoặc hạt nhân, người Nhật có thể không còn cách nào khác ngoài việc phải đốt nhiên liệu hóa thạch.

Theo nghiên cứu của tờ Yomiuri Shimbun, các lò phản ứng cũ (ít nhất 40 năm tuổi) chiếm 40% số lò đang hoạt động trên toàn thế giới và con số này ở Nhật Bản chỉ có 20%. Nhưng không giống nhiều quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân khác, nước Nhật dễ bị tổn thương bởi động đất và sóng thần, điển hình như thảm họa tàn phá Fukushima Daiichi.

Trong bối cảnh này, Chính phủ Nhật Bản hy vọng các công ty điện lực sẽ tập trung hơn vào đầu tư thế hệ lò phản ứng mới. Hiện có 5 công nghệ chính được xác định, từ lò phản ứng mô-đun nhỏ với ưu điểm nhanh và rẻ đến lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao, có thể cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất thép. Tokyo cũng đang hợp tác với Pháp và Mỹ về lò phản ứng nhanh sử dụng kim loại lỏng như natri làm chất làm mát.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, ABC News)

Chia sẻ bài viết