TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Ðộ hôm 20-3 đã có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Narendra Modi tại thủ đô New Delhi. Hai bên cam kết tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực như năng lượng, du lịch ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Thủ tướng Ấn Độ Modi (phải) trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Kishida hôm 20-3. Ảnh: Reuters
Theo Hãng tin Reuters, Thủ tướng Kishida tuyên bố chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở mới của Nhật Bản sẽ tập trung vào 4 yếu tố chính, gồm gìn giữ hòa bình, hợp tác với các quốc gia Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương để giải quyết những thách thức toàn cầu mới, thúc đẩy kết nối toàn cầu thông qua các nền tảng khác nhau và cuối cùng là đảm bảo an toàn cho vùng biển và không phận quốc tế.
Ðể đạt được mục tiêu trên, ông Kishida cam kết Nhật Bản sẽ dành 75 tỉ USD cho khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đến năm 2030 thông qua các khoản đầu tư tư nhân và các khoản vay bằng đồng yen, đồng thời tăng cường viện trợ thông qua các khoản trợ cấp và hỗ trợ chính thức của chính phủ. “Chúng tôi có kế hoạch mở rộng hợp tác trong khuôn khổ Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Tôi tin rằng Nhật Bản và Ấn Ðộ đang ở một vị trí đơn nhất trong quan hệ quốc tế hiện nay và hơn nữa là trong lịch sử thế giới. Nhật Bản và Ấn Ðộ có trách nhiệm to lớn trong việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền” - Thủ tướng Kishida nói. Ông Kishida nhấn mạnh Ấn Ðộ là một “đối tác không thể thiếu” khi hiện thực hóa tầm nhìn Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Nhật Bản. Theo ông, việc tăng cường quan hệ đối tác Nhật Bản - Ấn Ðộ không chỉ quan trọng đối với cả 2 nước mà còn thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.
Về phần mình, Thủ tướng Modi nói rằng mối quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt giữa Ấn Ðộ và Nhật Bản dựa trên các giá trị dân chủ chung và luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, 2 nước có lập trường khác biệt về cuộc chiến ở Ukraine. Cũng như nhiều quốc gia khác, Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong khi Ấn Ðộ “không cùng chiến tuyến” với phương Tây trong việc lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, trái lại còn mua dầu giá rẻ của Mát-xcơ-va.
Giới chuyên gia cho rằng nhờ chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương của Nhật mà các nền kinh tế của khu vực sẽ được hưởng lợi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghiệp đến phòng chống thiên tai. Ðây cũng là nỗ lực của Tokyo nhằm củng cố quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các nước ở Nam Á và Ðông Nam Á để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Theo Reuters, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng hải quân trong khi thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Ðược biết, Nhật Bản, Ấn Ðộ cùng với Úc và Mỹ là thành viên của “Bộ tứ kim cương (QUAD)” vốn được tạo ra để cân bằng sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Theo kế hoạch, cả 4 nước sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên mang tên Malabar được tổ chức tại Úc trong năm nay.