18/12/2021 - 21:58

Nhật Bản chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm tàng ở Đài Loan 

Trong bối cảnh Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự xung quanh Đài Loan, Nhật Bản do lo ngại bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa các siêu cường ngay tại đảo Ishigaki, nên đã quyết định triển khai các tên lửa diệt hạm và phòng không cùng 500-600 binh sĩ tới hòn đảo nhỏ chỉ cách Đài Loan chừng 200 dặm này nhằm tăng cường khả năng răn đe và bảo vệ lãnh thổ xứ hoa anh đào trước mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc.

Đảo Ishigaki, nơi Nhật Bản triển khai tên lửa diệt hạm và phòng không trong thời gian tới. Ảnh. NYT

Đảo Ishigaki, nơi Nhật Bản triển khai tên lửa diệt hạm và phòng không trong thời gian tới. Ảnh. NYT

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo, số tên lửa diệt hạm và phòng không nói trên sẽ được lắp đặt trên đảo Ishigaki vào khoảng năm 2022 để bảo vệ Senkaku, quần đảo không người ở nằm trên biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Song, về mặt lý thuyết, nếu Bắc Kinh tấn công Đài Bắc thì hệ thống phòng không và chống hạm này có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu các hạm đội quân sự của Trung Quốc.

Thật ra, các khẩu đội tên lửa nói trên từ lâu được lên kế hoạch triển khai tới Ishigaki. Đây là một phần của gói nâng cấp quân sự lớn hơn dành cho các hòn đảo xa xôi ở phía Tây Nam Nhật Bản, qua đó phản ánh sự thay đổi lập trường của Tokyo về Bắc Kinh, vốn tỷ lệ thuận với mối bất hòa gần đây của Trung Quốc đối với Đài Loan. Cách đây không lâu, Nhật Bản chủ yếu coi Trung Quốc là đối tác kinh tế, ngay cả khi hai nước xảy ra căng thẳng xung quanh các vấn đề về tranh chấp lãnh thổ hay về thương mại. Thế nhưng, hiện các chính trị gia Nhật Bản bày tỏ lo ngại về các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Hong Kong và Tân Cương, về sự thống trị của Bắc Kinh đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và nhận thấy rằng thách thức an ninh từ Trung Quốc không chỉ đe dọa Đài Loan, mà còn có khả năng xâm phạm Senkaku.

“Đã có một sự thay đổi đặc biệt lớn trong xã hội Nhật Bản. Những gì đang diễn ra hiện nay là mọi người đang cố gắng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, có thể không phải là chiến tranh nhưng khả năng ổn định về kinh tế có thể bị Trung Quốc ảnh hưởng trong thời gian dài” - Chisako Masuo, phó giáo sư chuyên nghiên cứu quan hệ Trung - Nhật tại Đại học Kyushu (Nhật Bản), nhận định.

Hiện tại, rất ít người tin rằng Bắc Kinh sẽ hành động nhằm thống nhất Đài Bắc. Tuy nhiên, căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc với Mỹ, đồng minh hàng đầu của Nhật Bản, về số phận của Đài Loan làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự giữa 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhật Bản trong Sách trắng quốc phòng được công bố hồi tháng 7 từng cảnh báo rằng căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với sự ổn định của khu vực. Một số nhà hoạch định chính sách Nhật Bản còn lo ngại rằng xung đột về Đài Loan có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc chiếm đảo Senkaku hoặc thậm chí là các đảo ở tỉnh cực Nam Okinawa, trong khi giới chức quốc phòng nước này cho rằng hành động của Trung Quốc có thể gây mất ổn định khu vực. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong bài phát biểu tại một diễn đàn an ninh hồi đầu tháng này còn tuyên bố rằng “tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan là trường hợp khẩn cấp của Nhật Bản” và đó cũng là vấn đề của liên minh Mỹ - Nhật.

Thế nhưng, việc Tokyo sẽ có thể triển khai hành động nào theo luật hiện hành nếu nổ ra xung đột về Đài Loan vẫn còn là nghi vấn. Dù vậy, Nhật Bản đang nỗ lực cải thiện khả năng sẵn sàng tác chiến trong phạm vi Hiến pháp Hòa bình cho phép. Theo đó, Tokyo tăng cả chi tiêu quân sự và tăng cường tập trận với Mỹ và các đồng minh khác. Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn yêu cầu tăng mạnh ngân sách trong năm nay để đối phó “môi trường an ninh đang xấu đi nhanh chóng”, gồm kinh phí xúc tiến công tác triển khai tên lửa tới đảo Ishigaki.

Đảo Ishigaki thuộc chuỗi đảo núi lửa Ryukyu, nơi Trung Quốc và Nhật Bản trải qua hàng thế kỷ để giành quyền kiểm soát. Đảo Ishigaki, giống như phần còn lại của tỉnh Okinawa, có văn hóa ảnh hưởng mạnh từ Nhật Bản và Trung Quốc do vị trí giữa Trung Quốc và lục địa Nhật Bản. Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, chuỗi đảo này đã phải chứng kiến một số trận chiến bộ binh đẫm máu nhất ở Thái Bình Dương. Sự gần gũi của Ishigaki với Senkaku từ lâu đã khiến nơi đây trở thành điểm đến của giới chính trị gia Nhật Bản với hy vọng tăng cường an ninh quốc gia. Hòn đảo này cũng là nơi đặt văn phòng Cảnh sát biển Nhật Bản chuyên triển khai các cuộc tuần tra Senkaku.

TRÍ VĂN (Theo NYT, The Diplomat)

Chia sẻ bài viết