03/10/2019 - 21:57

Nguy cơ thương chiến Mỹ-EU 

Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn đang bế tắc, nguy cơ về cuộc xung đột tương tự giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dần hiện ra khi Washington chuẩn bị giáng đòn thuế trừng phạt đối với 7,5 tỉ USD hàng hóa của khối 28 quốc gia thành viên.

Máy bay EU có thể gánh mức thuế 10% khi nhập vào thị trường Mỹ. Ảnh: Reuters

Hành động của Mỹ được đưa ra sau phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho phép nước này đánh thuế trừng phạt EU do vi phạm luật trợ cấp hãng sản xuất máy bay Airbus. Quyết định được coi là “phần thưởng” lớn nhất trong lịch sử WTO dành cho một bên tranh chấp, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong “cuộc chiến” kéo dài 15 năm giữa hãng sản xuất máy bay Airbus và đối thủ Boeing của Mỹ.

Phán quyết của WTO là cuối cùng và không thể kháng cáo. Tuy vậy, AP cho biết tranh chấp xuyên Đại Tây Dương vẫn chưa chấm dứt khi Airbus đệ đơn kiện ngược Boeing nhận trợ cấp trái phép từ Chính phủ Mỹ. WTO đang xem xét khiếu nại và dự kiến ra phán quyết vào năm sau.

Nhưng hiện tại, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết sẽ áp mức thuế 10% với máy bay của EU và 25% đối với hàng trăm mặt hàng công nghiệp, nông sản như rượu vang Pháp, phô mai Ý, rượu mạnh Scotland, hàng dệt kim Anh cũng như ôliu nguồn gốc từ Tây Ban Nha, Đức và Pháp. Mức thuế mới có hiệu lực từ ngày 18-10 và USTR sẽ liên tục đánh giá lại dựa trên đàm phán với Brussels.

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả quyết định của WTO là “chiến thắng lớn” đối với Washington và rằng tổ chức này có thể muốn ông hài lòng. Trước đây, Tổng thống Trump không ít lần công kích và dọa rút khỏi WTO vì cho rằng Mỹ bị đối xử không công bằng.

Tính toán của châu Âu

Nhiều người lo ngại tranh chấp Mỹ-EU sẽ đẩy kinh tế thế giới vào vòng xoáy chiến tranh thương mại mới. Hôm 2-10, thị trường chứng khoán thế giới chứng kiến đợt bán tháo khi các nhà đầu tư bất an trước nguy cơ suy thoái toàn cầu. Trong tình thế hiện nay, Giám đốc điều hành của Airbus Guillaume Faury cam kết tiếp tục hợp tác với khách hàng, đối tác và nhà cung cấp Mỹ để giải quyết những hậu quả tiềm tàng. Airbus cũng hy vọng Mỹ-EU có thể đàm phán trước khi ngành hàng không cũng như quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương và nền kinh tế toàn cầu bị tổn hại. Chung quan điểm, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom mong muốn đạt thỏa thuận với chính quyền Trump để tránh sa vào cuộc chiến thuế quan. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết liên minh đang theo dõi hành động sắp tới của Mỹ, nhưng Brussels trước đó cảnh báo sẽ trả đũa nếu bị áp thuế.

Căng thẳng Mỹ-EU không phải mới đây mà đã nhen nhóm kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng với chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Ngoài mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ, Tổng thống Trump đang đe dọa đánh thuế ngành ô tô và phụ tùng xe hơi của EU. Đối với Brussels, xung đột với Mỹ ngày càng dễ bùng phát hơn khi nỗ lực đàm phán không mang lại kết quả. Một số quan chức châu Âu cảnh báo liên minh trong tình thế bị dồn vào chân tường có thể thay đổi lập trường cứng rắn hơn.

Vấn đề hiện nay là châu Âu không có nhiều lựa chọn. Trong khi chờ kết quả cuộc họp sắp tới của dàn lãnh đạo mới, Bloomberg cho biết EU đang cân nhắc áp thuế với hơn 4 tỉ USD hàng xuất khẩu của Mỹ liên quan tranh chấp khác trong WTO về các khoản trợ cấp bị cấm. Tuy đã giải quyết và hai bên cũng đạt được giải pháp chung vào năm 2006, nhưng vụ việc giờ đây có thể trở thành cái cớ để trả đũa mức thuế mà chính quyền Trump sắp áp lên hàng hóa EU.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
thương chiến