02/03/2011 - 09:29

Thế giới A-Rập trong làn sóng biểu tình:

Nguy cơ nội chiến ở nhiều nước

Người biểu tình đã phong tỏa các con đường và tổ chức tuần hành tại Oman hôm 28-2, yêu cầu chính quyền cải cách tiền lương, miễn thuế, giảm giá hàng hóa và tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân. Trước tình hình này, nhiều nhà phân tích cảnh báo ngoài Libye và Yemen, Oman cũng có nguy cơ lâm vào nội chiến.

Người biểu tình ngồi phía trước siêu thị bị đốt cháy ở thành phố Sohar của Oman, bất chấp Quốc vương Qaboos bin Said (ảnh nhỏ) đưa ra nhiều nhượng bộ.
Ảnh: AFP 

Oman trở thành nước mới nhất bị “cuốn” vào làn sóng biểu tình phản đối khắp thế giới A-rập. Theo các nguồn tin nước ngoài, tại thành phố cảng Sohar ở phía Đông Bắc Oman, nơi xuất phát cuộc biểu tình, các con đường dẫn tới bến cảng lớn thứ hai của nước này và một khu công nghiệp, đều đã bị phong tỏa. Một số người quá khích đã đốt một siêu thị và đụng độ với cảnh sát. Tại quảng trường Kurra Ardiyah Roundabout của thành phố Sohar, nhiều lều trại đã được dựng lên, bất chấp những nỗ lực của cảnh sát và quân đội nhằm tìm cách giải tán đám đông. Hãng tin Anh Reuters cho biết 6 người đã thiệt mạng ở Sohar cuối tuần qua, trong khi hãng thông tấn ONA của Oman cho rằng chỉ có một người chết.

Trong nỗ lực giải tỏa căng thẳng, Quốc vương Oman Sultan Qaboos bin Said đã cử nhiều phái đoàn tới Sohar hôm 28-2 để đàm phán với người biểu tình, nhưng kết quả các cuộc gặp này chưa rõ ràng. Theo ONA, ngay sau khi bạo lực bùng phát, Quốc vương Qaboos bin Said đã có động thái nhượng bộ khi cam kết trao nhiều quyền lực hơn cho hội đồng lập pháp (Shura), gồm 84 thành viên do dân bầu từ 61 khu vực bầu cử của Oman. Quốc vương Qaboos bin Said cũng ra lệnh cho các cơ quan nhà nước tuyển 50.000 việc làm và trợ cấp tương đương 386 USD/tháng cho mỗi người tìm việc. Bên cạnh đó, ông tiến hành thay 6 bộ trưởng, tăng lương tối thiểu khoảng 40% và tăng trợ cấp cho sinh viên. Tuy nhiên, bất chấp những nhượng bộ của Quốc vương Qaboos bin Said, các cuộc biểu tình dường như ngày một gia tăng cường độ.

Trong khi đó, tình hình Libye diễn biến hết sức phức tạp. Báo Anh Telegraph cho biết Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang sẵn sàng can thiệp quân sự chống Tổng thống Muammar Gadhafi vì lo sợ ông này có thể “sử dụng vũ khí hóa học trấn áp người biểu tình”. Sự lo ngại này diễn ra sau khi người phát ngôn của ông Gadhafi cảnh báo rằng hàng trăm ngàn người sẽ chết nếu đất nước chìm vào nội chiến. Mặc dù cam kết từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt năm 2003, nhưng ông Gadhafi được cho là vẫn giữ 14 tấn hóa chất cần thiết để tạo khí độc. Nhiều nguồn tin nước ngoài cho biết Lầu Năm Góc đang cân nhắc đưa tàu sân bay USS Enterprise từ Biển Đỏ vào Địa Trung Hải, chực chờ ở ngoài khơi Libye.

Còn tại Yemen, phe đối lập đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Ali Abdullah Saleh để thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Thay vào đó, lần đầu tiên họ tuyên bố ủng hộ người biểu tình, kêu gọi ông Saleh từ bỏ quyền lực. Ngay sau diễn biến trên, các nhà tổ chức biểu tình đã gia tăng sức ép, kêu gọi người dân hưởng ứng “Ngày thịnh nộ” hôm 1-3. Theo các nhà phân tích, nếu các đảng đối lập tham gia biểu tình, thì đó là dấu hiệu thay đổi bản chất của làn sóng phản đối tại Yemen. Nguy cơ nội chiến đang treo lơ lửng ở nước này.

N. KIỆT (Theo NYT, Telegraph, AP)

Chia sẻ bài viết