12/12/2022 - 09:01

Nguồn dầu giá rẻ của Nga chuyển mạnh sang châu Á 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Ấn Ðộ và Trung Quốc đang trở thành những nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Nga trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt lên loại nhiên liệu này đối với xứ bạch dương.

Một tàu chở dầu của Nga. Ảnh: RIA

Theo BBC, lượng dầu nhập khẩu của Ấn Ðộ từ Nga đã tăng từ mức rất thấp hồi đầu năm lên mức “đỉnh” vào tháng 6 và tháng 7. Và mức này được duy trì đến tháng 11. Trong khi đó, việc Trung Quốc mua dầu của Nga dao động trong năm nay. Khi Nga hồi tháng 2 phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga giảm nhưng sau đó tăng lên đáng kể trong những tháng tiếp theo.

BBC cho hay, Nga kể từ tháng 3 đã giảm giá dầu cho những nước nhập khẩu có thiện chí ở châu Á. Chính vì vậy, tổng lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc và Ấn Ðộ vào thời điểm đó vượt qua tổng lượng dầu nhập khẩu của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Giới chuyên gia cho rằng nếu nguồn cung cấp dầu tiếp tục ở mức cũ trong tháng 12 thì Nga có thể trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Ðộ.

Chính phủ Ấn Ðộ trong một tuyên bố đã lên tiếng giải thích cho việc mua dầu từ Nga, nói rằng họ phải tìm nguồn dầu từ nơi có giá rẻ nhất giữa lúc giá dầu toàn cầu tăng khiến các nhà hoạch định chính sách Ấn Ðộ “đau đầu”. Ðộng thái này của Ấn Ðộ đã bị Mỹ chỉ trích dù Washington hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy họ chấp nhận việc New Delhi tiếp tục mua dầu giảm giá của Mát-xcơ-va.

Mặc dù giá dầu thô của Nga hấp dẫn, các nhà máy lọc dầu của Ấn Ðộ đã phải đối mặt với nhiều thách thức khi cố gắng tài trợ cho việc nhập khẩu dầu, bởi lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga ảnh hưởng đến việc thanh toán. Do đó, Ấn Ðộ đang cân nhắc một phương thức thanh toán mà theo đó lượng hàng Ấn Ðộ xuất khẩu sang Nga sẽ được thanh toán bằng đồng rúp Nga thay cho đồng USD hoặc euro, trong khi lượng hàng Ấn Ðộ nhập khẩu từ Nga sẽ được trả bằng đồng rupee, nhưng phương thức này dường như không gặt hái được thành công.

Không riêng gì Ấn Ðộ và Trung Quốc, các quốc gia khác cũng tận dụng việc Nga giảm giá dầu thô, chẳng hạn Sri Lanka, nơi đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Pakistan đang đàm phán mua dầu giảm giá của Nga nhưng đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào được hai bên ký kết.

Sau khi phát động cuộc chiến tại Ukraine, ngày càng ít khách hàng mua dầu thô Ural của Nga. EU thậm chí đã hoàn toàn ngừng việc nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển. Trong bối cảnh đó, giá dầu thô Ural bắt đầu giảm. Vào đầu năm nay, dầu thô Ural của Nga rẻ hơn tới 30USD/thùng so với dầu thô Brent. Vào tháng 11 vừa qua, dầu thô Ural rẻ hơn dầu thô Brent 33USD/thùng. Hồi đầu tháng này, EU, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Úc quyết định áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga ở mức 60USD/thùng. Ðộng thái này đã đẩy giá dầu giảm xuống nhưng tiềm ẩn gây thêm rủi ro cho thị trường năng lượng toàn cầu. Song, Matt Smith, nhà phân tích dầu hàng đầu tại công ty cung cấp các giải pháp về thị trường hàng hóa Kpler (Mỹ), cho rằng việc thực thi một cách lỏng lẻo có thể khiến kế hoạch này không đạt được hiệu quả.

Ðáp lại, Nga tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các quốc gia G7. Tuy nhiên, Maria Shagina, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói rằng việc chuyển dầu từ EU sang châu Á sẽ “tốn kém hơn, tốn thời gian và cồng kềnh hơn” đối với Nga.

Gần 50% tổng nhu cầu khí đốt của Ấn Ðộ đến từ nước ngoài nhưng chủ yếu là từ các quốc gia vùng Vịnh và rất ít từ Nga. Trong khi đó, Trung Quốc nhập khẩu phần lớn khí đốt thông qua đường ống từ Trung Á. Hiện Turkmenistan là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, một khi đường ống “Sức mạnh Siberia” được hoàn thành vào cuối thập niên này, Nga có thể sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Trung Quốc. Mới đây, Trung Quốc cũng đã ký các thỏa thuận với Nga để vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng bằng đường biển qua Bắc Cực.

Chia sẻ bài viết