22/04/2021 - 09:15

Người giàu Mỹ Latinh đổ xô đến Mỹ tìm kiếm vaccine 

Họ sẵn sàng bay hàng ngàn km từ Mỹ Latinh sang Mỹ, thậm chí thuê phương tiện vận chuyển trực tiếp từ sân bay đến các cơ sở tiêm chủng chỉ để được tiêm vaccine COVID-19. Họ là các chính trị gia, nhân vật truyền hình, lãnh đạo các công ty, cầu thủ bóng đá… muốn tiêm phòng sớm do nước họ đang thiếu nguồn cung vaccine.

Hành khách tại Sân bay Silvio Pettirossi (Paraguay) đang làm thủ tục bay đến Miami (Mỹ), nhiều người trong số họ đi tìm vaccine COVID-19. Ảnh: AP

Virginia Gónzalez và chồng bay từ thành phố Monterrey (Mexico) đến Texas (Mỹ) rồi lên xe buýt đến thẳng điểm tiêm chủng. Ðể có đủ 2 mũi vaccine, họ phải vượt hành trình dài khoảng 2.200km. Cặp vợ chồng này giải thích họ phải làm như vậy theo lời khuyên của bác sĩ đang điều trị ung thư tuyến tiền liệt cho người chồng. “Ðó là vấn đề sống còn. Ở Mexico, chính quyền không mua đủ vaccine”, Gónzalez nói về mục đích đi tìm vaccine COVID-19 ở Mỹ.

Với dân số gần 130 triệu người, Mexico được xem là nước có nhiều vaccine hơn các nước Mỹ Latinh khác, với khoảng 18 triệu liều từ Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Ðộ. Hầu hết số vaccine đó hiện được ưu tiên tiêm cho nhân viên y tế, những người trên 60 tuổi và một số giáo viên. Giống Mexico, các quốc gia Mỹ Latinh khác (ngoại trừ Chile) cũng đối mặt với tình trạng thiếu vaccine hoặc tồi tệ hơn. Ví dụ, ở Peru, chỉ 2% trong số 32 triệu dân của nước này nhận được một liều vaccine.

Vì vậy, những người có đủ khả năng đi du lịch đang đổ xô đến Mỹ tìm vaccine và tránh phải chờ đợi lâu, kể cả những người ở xa như Paraguay. Ðiều kiện để đi là họ phải có thị thực du lịch và có đủ tiền để chi trả cho các xét nghiệm SARS-CoV-2 bắt buộc, vé máy bay, phòng khách sạn, thuê xe và các chi phí khác. Nhiều người trong số này có nhà tại Mỹ, cho phép họ lưu trú dài ngày để chờ vaccine, hoặc có bạn bè, người thân ở đó và có thể giúp họ đặt lịch tiêm phòng hoặc tìm kiếm những liều vaccine còn sót lại do một số người bản xứ từ chối tiêm ngừa.

Tại Mexico, số lượng chuyến bay thương mại đến Texas đang bùng nổ. Ðầu tháng này, 19 cầu thủ của đội bóng đá chuyên nghiệp của Monterrey tên Rayados đã bay đến Dallas để tiêm vaccine - truyền thông địa phương đưa tin. Nhưng bên cạnh đặc quyền được tiêm vaccine do có điều kiện, những người tìm kiếm vaccine ở Mỹ cũng vấp phải sự chỉ trích từ dư luận trong nước. Tại Peru, Hernando De Soto, một nhà kinh tế đang tranh cử tổng thống, đã đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi thừa nhận rằng ông đã đến Mỹ để tiêm phòng. Nhiều nhân vật nổi tiếng trên truyền hình, như Juan José Origel ở Mexico và Yanina Latorre ở Argentina, sau khi đăng trên mạng xã hội khoe các chuyến đi của mình, cũng đã hứng chịu vô số lời chỉ trích của khán giả vì sự phô trương một cách vô cảm.

Theo hãng tin AP, các quốc gia giàu có trên toàn cầu có thể mua được nguồn cung cấp vaccine lớn nhất, bao gồm Mỹ - quốc gia bị chỉ trích vì không làm gì nhiều để giúp đỡ các nước nghèo hơn. Ernesto Ortiz, quản lý cấp cao của Trung tâm Cải tiến Y tế Toàn cầu thuộc Ðại học Duke ở Bắc Carolina, nơi theo dõi các chương trình việc phân phối vaccine COVID-19 trên toàn thế giới, cho biết chính tình trạng bất bình đẳng về khả năng tiếp cận vaccine đã thúc đẩy loại hình du lịch vaccine này.

T.TRÚC (Theo AP, US News)

Chia sẻ bài viết