Hàng chục triệu người Ấn Ðộ đã mất việc làm trong các đợt phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong vòng một năm qua. Giờ đây, cái đói không chỉ rình rập người nghèo mà cả những người thuộc tầng lớp trung lưu.

Người nghèo Ấn Độ xếp hàng chờ xin thức ăn. Ảnh: AFP
Sự tuyệt vọng về thực phẩm
Trong gần một năm qua, 3 đứa con của Chanchal Devi không có giọt sữa để uống, bởi người phụ nữ 35 tuổi này cùng chồng không còn đủ khả năng mua sau khi cả 2 đều mất việc khi thủ đô New Delhi bị phong tỏa vào tháng 3 năm ngoái. Họ càng trở nên khốn khổ hơn sau khi làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai tấn công Ấn Ðộ hồi tháng 4 năm nay. Giờ đây, họ đang vay tiền mua thức ăn và phải đau lòng chứng kiến những đứa con đang tuổi lớn ăn ít hơn, thường xuyên đi ngủ với cái bụng đói. “Ðã nhiều đêm tôi không thể nào ngủ được. Tôi đã quá mệt mỏi vì phải lo cái ăn cho bọn trẻ” - Chanchal bùi ngùi nói.
Một số người khác còn khốn đốn hơn. Naresh Kumar, 45 tuổi, hầu như mỗi ngày trong tháng 6 đều phải xếp hàng bên ngoài cửa hàng phân phối thực phẩm địa phương từ lúc 5 giờ sáng để tranh thủ nhận được lượng thực phẩm ít ỏi. “Vào những ngày họ có thức ăn thì thức ăn hết trước khi đến lượt tôi. Vào những ngày khác, họ nói rằng không còn gì để cấp phát” - Kumar chia sẻ. Vợ chồng Kumar đến nay vẫn chưa tìm được việc làm sau khi cả 2 đều mất việc hồi năm ngoái.
Không chỉ riêng trường hợp của gia đình chị Chanchal hay anh Kumar, nhiều gia đình có vợ lẫn chồng đều làm công ăn lương khác đã phải mất kế sinh nhai khi Ấn Ðộ áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong vòng 12 tháng qua. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Ðộ, hơn 15 triệu người tại quốc gia Nam Á này bị mất việc chỉ trong tháng 5 vừa qua, dẫn đến gia tăng nạn đói, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.
Dù không có số liệu thống kê chi tiết, nhưng những công nhân tại các trung tâm phân phối thực phẩm ở các thành phố lớn của Ấn Ðộ cho biết họ không thể nhớ có bao nhiêu người đã phải xếp hàng để chờ nhận thức ăn. “Sự tuyệt vọng về thực phẩm và những hàng dài chờ phát thức ăn, trong đó gồm thành viên các gia đình có 2 người làm công ăn lương, là điều chưa từng thấy” - Aditi Dwivedi, nhân viên tại tổ chức Satark Nagrik Sangathan chuyên vận động viện trợ lương thực cho người nghèo, cho biết. Tương tự, Swaraj Shetty, đồng sáng lập tổ chức Khaana Chahiye chuyên phân phối thực phẩm khô, nói rằng những người xếp hàng xin thực phẩm trong năm ngoái chủ yếu là lao động nhập cư nhưng năm nay có cả những người thuộc tầng lớp trung lưu.
Nghèo tăng, giàu giảm
Theo một nghiên cứu của Ðại học Azim Premji, trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Ðộ suy giảm 7,3% trong năm ngoái, mức thu nhập trung bình hàng ngày của khoảng 230 triệu người Ấn Ðộ giảm mạnh, còn chưa tới 375 rupee (5USD). Nghiên cứu cho biết, 90% số người được hỏi nói rằng gia đình của họ đã phải ăn ít lại khi các biện pháp phong tỏa chống dịch được áp đặt. Nghiên cứu phát hiện số người sống trong các hộ gia đình có thu nhập trung bình hàng ngày dưới 5USD tăng đột biến, từ mức 298,6 triệu người vào thời điểm bắt đầu bùng phát dịch vào tháng 3-2020 lên 529 triệu người vào cuối tháng 10 năm ngoái.
Trong khi đó, một phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, sau một năm đại dịch hoành hành, tầng lớp trung lưu của Ấn Ðộ, tức là nhóm có thu nhập 10-20 USD/ngày, đã giảm 33%, xuống còn 66 triệu người.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Ấn Ðộ quyết định cấp 5 kg gạo, lúa mì và ngũ cốc thô/người nghèo/tháng với giá trợ cấp chỉ 1 rupee/kg. Vào tháng 6 năm ngoái, sau khi hàng triệu người di cư ồ ạt trở về làng sau khi nhiều thành phố bị phong tỏa, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố cấp thêm 6 kg/người cho đến tháng 11. Chương trình đã được tái khởi động vào tháng 4 và sẽ được kéo dài đến hết tháng 11 năm nay.
Tổ chức Save the Children cảnh báo, tình trạng nghèo đói gia tăng, thiếu khả năng tiếp cận thực phẩm cùng với hệ thống y tế bên bờ sụp đổ có thể gây ra hậu quả tàn khốc đối với hàng triệu trẻ em Ấn Độ.
TRÍ VĂN (Theo India Times, We Forum)