29/05/2011 - 08:49

Người dụ sinh viên giỏi bỏ học

Đó là tỉ phú Peter Thiel nổi tiếng ở Thung lũng Silicon (Mỹ - ảnh). Với tài sản trị giá 1,5 tỉ USD, nhà đầu tư 43 tuổi này vừa sáng lập quỹ học bổng trị giá 2 triệu USD dành cho những sinh viên đại học dưới 20 tuổi muốn rời ghế giảng đường để ra lập nghiệp. Theo đó, Quỹ Thiel sẽ chọn ra 20 sinh viên tài năng và cấp học bổng để họ theo đuổi giấc mơ “thay đổi thế giới” trong thời gian 2 năm mà không cần đợi đến khi cầm trong tay mảnh bằng đại học.

 

Mặc dù từng tốt nghiệp cử nhân luật ở Đại học Stanford danh tiếng nhưng nhà đồng sáng lập dịch vụ thanh toán và chuyển tiền trực tuyến Paypal hàng đầu thế giới lại quan niệm học đại học là một sự lãng phí thời gian lẫn tiền của (với 65% sinh viên Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học phải gánh khoản nợ ít nhất 24.000 USD trên vai), ít nhất là với một số người. Thiel muốn ám chỉ Mark Zuckerberg, cựu sinh viên từng rời bỏ giảng đường Đại học Harvard lừng danh để theo đuổi ước mơ lập trang mạng xã hội toàn cầu. Chính Thiel là người đầu tiên ủng hộ Zuckerberg, bỏ ra 500.000 USD đầu tư vào công ty Facebook khi nó mới thành lập năm 2004.

Hiện nay, Facebook là mái nhà chung của hơn 500 triệu cư dân mạng và có trị giá ước khoảng 2 tỉ Mỹ kim. “2004 là thời điểm thích hợp để mở công ty Facebook. Nếu đợi đến khi Zuckerberg tốt nghiệp Đại học Harvard năm 2006, e rằng mọi chuyện đã quá muộn”, Thiel nhớ lại. Doanh nhân gốc Đức này cũng dẫn chứng ở Thung lũng Silicon trước giờ không thiếu những đại gia chưa từng tốt nghiệp đại học, trong đó không thể không kể đến tỉ phú Bill Gates - “cha đẻ” của tập đoàn phần mềm Microsoft, và Steven Jobs - ông chủ sáng lập hãng Apple lâu nay “làm mưa làm gió” toàn cầu. Họ vẫn làm nên chuyện bằng chính tài năng, quyết tâm và sự nhạy bén chứ không phải nhờ trình độ học vấn.

Với Thiel, đam mê - có tầm nhìn - tài năng là 3 yếu tố đảm bảo sự thành công trên thương trường ở nhiều lĩnh vực mà không cần tấm bằng đại học chính quy. Ông cho rằng hiện nay nhiều sinh viên hội đủ cả 3 yếu tố này cộng với bản lý lịch ấn tượng và mục tiêu rõ ràng. Đơn cử như Eden Full đã đứng ra sáng lập công ty Roseicollis Technologies khi còn ngồi ở giảng đường Đại học Princeton. Roseicollis Technologies đã thắp sáng các thôn làng ở Kenya bằng hệ thống pin năng lượng Mặt trời xoay theo hướng nắng, thu giữ lượng quang năng nhiều hơn 40% so với pin năng lượng Mặt trời tĩnh tại. Hay như Jim Danielson, sinh viên năm nhất Đại học Purdue, từng gây tiếng vang khi cải tiến thành công chiếc Porsche đời cũ chạy hoàn toàn bằng điện, đang ấp ủ giấc mơ làm giàu từ xe điện. “Tôi nhận thấy ngành chế tạo xe điện đang thay đổi chóng mặt. Nếu tôi bỏ qua cơ hội này và đợi đến khi hoàn thành xong chương trình đại học, mọi sự có thể đổi khác”, Danielson tâm sự.

Vượt qua hơn 400 sinh viên đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, Danielson và Full là 2 sinh viên đầu tiên được Quỹ Thiel chọn trao học bổng 100.000 USD khi quyết định từ bỏ mục tiêu học tập để theo đuổi giấc mơ thay đổi thế giới. Theo tỉ phú Thiel, khoảnh khắc thực hiện ý tưởng thay đổi thế giới không hiện hữu thường trực, nếu phải đợi đến sau khi tốt nghiệp đại học mới bắt tay thực hiện thì nó sẽ trôi đi và có thể không quay trở lại. Bản thân ông từng góp phần thay đổi thế giới khi hiện thực hóa một ý tưởng rất đỗi bình thường: kết hợp đồng USD với thư điện tử (e-mail). Sự kết hợp này cho ra đời dịch vụ Paypal chuyên về thanh toán và chuyển tiền qua Internet năm 1998. Bốn năm sau, Thiel bỏ túi 55 triệu USD sau khi Ebay mua lại Paypal với giá 1,5 tỉ USD. Từ đó, ông dùng một phần lợi nhuận này để đầu tư vào những công ty mới thành lập đầy triển vọng, trong đó nổi bật nhất là thương vụ đầu tư vào Facebook.

CHÂU MAI (Theo ABC, Csmonitor)

Chia sẻ bài viết