23/02/2015 - 17:13

Người đàm phán, kẻ ngáng đường

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 22-2 tuyên bố tháng 3 tới là tháng quan trọng cho việc ngăn chặn thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran. Ông nói rằng Quốc hội Mỹ vẫn là cơ quan có thể chi phối thỏa thuận mà các cường quốc thế giới đang bàn tính với Iran, đồng thời cho biết sẽ bay tới Washington để giải thích với các ông nghị Mỹ tại sao thỏa thuận ấy “nguy hiểm với Israel, nguy hiểm với khu vực và nguy hiểm với thế giới”.

Tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Israel, một đồng minh cật ruột của Washington, được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry và nhiều quan chức ngoại giao cấp cao xứ cờ hoa đang tất bật với các cuộc đàm phán song phương lẫn đa phương với Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức).

Nhiều nguồn tin hôm qua cho biết, ông Kerry đã có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Iran Javad Zarif vào chiều 22-2 tại Genève (Thụy Sĩ) trong nỗ lực nhằm thu hẹp cách biệt còn tồn tại giữa hai nước để tiến tới một thỏa thuận khung giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi bấy lâu nay của Iran. Trước cuộc gặp song phương, trong chuyến thăm Anh hôm 21-2, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ nói rằng các cuộc đàm phán hiện tại chỉ mang tính “kỹ thuật” vì tất cả các bên đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận về “nhiều vấn đề rất khó khăn”. Ông cũng nhấn mạnh “vẫn còn khác biệt lớn, còn một khoảng đường dài để đi (tới thỏa thuận ấy)”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nêu rõ Tehran sẽ không đặt bút ký vào các thỏa thuận “mơ hồ và còn dang dở trước khi đạt được một thỏa thuận toàn diện”. Ông cũng nhấn mạnh chương trình hạt nhân của Tehran hoàn toàn mang tính hòa bình.

Trước cuộc gặp song phương cấp bộ trưởng ngoại giao hai nước Mỹ-Iran, đại diện của Iran và Nhóm P5+1 cũng có cuộc đàm phán mà Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc nhận định là “đã diễn ra một cách thực tế trong bầu không khí tích cực”. Các bên đã thảo luận những vấn đề then chốt và nhất trí tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào cuối tháng 2 này. Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ được ấn định sau. Giới quan sát nhận định việc lần đầu tiên Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz và Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi tham gia đàm phán tại Genève là dấu hiệu cho thấy mong muốn của các bên sớm đạt được một thỏa thuận toàn diện.

Ai cũng biết sau khi không đạt được thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân đúng thời hạn 24-11-2014, Iran và Nhóm P5+1 đã đặt thời hạn chót mới là ngày 1-7-2015. Các bên cũng nhất trí đến cuối tháng 3-2015 sẽ đạt được thỏa thuận khung, sau đó tiến hành thương thảo các điều khoản chi tiết của thỏa thuận trong vòng ba tháng tiếp theo trước hạn chót mới. Các cường quốc đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Iran, cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự, trong khi phía Iran kiên quyết bác bỏ cáo buộc này. Vì thế giới phân tích cho rằng mức độ khai thác năng lượng hạt nhân mà Iran có thể duy trì cũng như các bước tiếp theo nhằm dỡ bỏ lệnh cấm vận mà Mỹ và đồng minh phương Tây áp đặt chống Iran sẽ là những điểm chính trong các cuộc thương lượng còn nhiều cam go và trở ngại sắp tới.

Nhiều nghị sĩ theo đường lối cứng rắn của Mỹ đã dọa sẽ đề xuất các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran vào tháng 3 tới, khiến lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei phẫn nộ, tuyên bố sẽ đáp trả các biện pháp cấm vận của phương Tây bằng việc ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên tới những nước này. Tình thế ấy buộc người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest phải lên tiếng “phê phán” Israel và các ông nghị theo đường lối cứng rắn của Mỹ “cố tình ngáng đường”, ảnh hưởng cuộc đàm phán hạt nhân của Mỹ với Iran.

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết