25/07/2023 - 18:25

Ngoại giao gấu trúc 

HẠNH NGUYÊN (Theo France 24, China Daily)

Sở thú Beauval ở miền Trung nước Pháp quyết định gửi trả gấu trúc Yuan Meng về Trung Quốc vào ngày 25-7. Mặc dù được sinh tại Pháp, gấu trúc này là tài sản mà Trung Quốc cho sở thú mượn nằm trong chương trình “ngoại giao gấu trúc” của Bắc Kinh.

Yuan Meng là gấu trúc đầu tiên được sinh ra tại Pháp. Ảnh: AFP

Yuan Meng là gấu trúc đầu tiên được sinh ra tại Pháp. Ảnh: AFP

Chào đời ở Pháp vào tháng 8-2017, Yuan Meng là kết quả thụ tinh nhân tạo giữa gấu trúc bố Yuan Zi và gấu trúc mẹ Huan Huan. Gấu trúc bố mẹ của Yuan Meng được đưa từ Trung Quốc đến Pháp vào đầu năm 2012, cho mượn theo chương trình bảo tồn của Bắc Kinh nhằm nuôi dưỡng gấu trúc trên khắp thế giới. Theo thỏa thuận hợp tác, bất kỳ gấu trúc con nào được sinh ra ở hải ngoại đều thuộc sở hữu của Trung Quốc và thường được gửi trả lại nước này vào năm 2-4 tuổi. Gấu trúc Yuan Meng về nước muộn do đại dịch COVID-19.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ Trung Quốc, trong giai đoạn 1957-1982, nước này đã tặng 24 con gấu trúc cho 9 quốc gia, nhằm thể hiện tình hữu nghị, thiện chí và nỗ lực tăng cường quan hệ. Nhưng do môi trường sinh thái xuống cấp về chất lượng và số lượng gấu trúc lớn trong nước sụt giảm đáng kể, Trung Quốc đã ngừng tặng gấu trúc vào năm 1982. Thay vào đó, Bắc Kinh bắt tay với các nước khác nghiên cứu về gấu trúc. Tính đến tháng rồi, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác khoa học với 22 sở thú tại 19 quốc gia, với tổng cộng 64 cá thể gấu trúc được nuôi.

Hồi đầu năm, một sở thú ở Phần Lan đã cân nhắc ý tưởng trả lại các gấu trúc cho Trung Quốc, nhưng rồi quyết định giữ lại. Khó khăn trong chăm sóc gấu trúc nằm ở chi phí. Nước chủ nhà thường phải tốn tới 1 triệu USD mỗi năm để nuôi 1 cặp gấu trúc và thời gian mượn gấu lên tới 15 năm. Sau đó chúng sẽ được trả về cho Trung Quốc để đưa vào chương trình bảo tồn. Nếu gấu chết trong thời gian mượn, nước chủ nhà sẽ bị phạt tiền. Đơn cử như khi gấu trúc Lin Hui, 21 tuổi, chết vì suy đa tạng tại Sở thú Chang Mai trong năm nay, giới chức Thái Lan đã phải bồi thường 435.000USD cho Trung Quốc.

“Giải pháp khôn khéo”

Theo Giáo sư Astrid Nordin thuộc Viện Lau China, mô hình cho mượn là “cách khôn khéo” để yêu cầu nước chủ nhà gánh phần lớn chi phí duy trì và quảng bá con vật được xem như biểu tượng văn hóa của Trung Quốc. Mô hình tương tự cũng được áp dụng cho các Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại nước ngoài.

Nếu triết gia Khổng Tử là hiện thân cho trí thông minh của người Trung Quốc, gấu trúc quảng bá một hình ảnh khôi hài hơn. Không chỉ to và khỏe, gấu trúc còn vui vẻ, đáng yêu, thân thiện. Tiếng thơm này giúp chúng trở thành món quà đính kèm phổ biến trong các thỏa thuận thương mại, chẳng hạn như cặp gấu trúc Yuan Zi/Huan Huan đến Pháp theo sau hợp đồng cung cấp uranium cho Trung Quốc để phát triển năng lượng hạt nhân.

Chia sẻ bài viết