 |
Phái đoàn Trung Quốc thăm cảng Acu đang xây dựng ở Sao Joao da Barra, Brazil. Ảnh: Getty |
Dọc theo bãi cát vàng ở Sao Joao da Barra, bờ biển dài hơn 280 km phía Bắc thành phố Rio de Janeiro của Brazil, Trung Quốc đang hiện thực hóa một lý tưởng kinh tế mới. Tại công trình cảng Acu, công nhân đang xây dựng một cầu tàu được gọi là Chinamaxe dài hơn 3 km để các tàu lớn cập cảng, vốn sẽ được dùng vận chuyển quặng sắt đáp ứng “cơn khát” của ngành thép Trung Quốc. Bên cạnh đó là bãi neo đậu của các tàu chở dầu dùng để vận chuyển tới Bắc Kinh... Nhiều cấu trúc sẽ được xây dựng ở đây bằng vốn đầu tư từ Trung Quốc gồm: nhà máy thép, xưởng đóng tàu, nhà máy ô tô và xí nghiệp sản xuất thiết bị dầu khí. Dự án cảng biển quy mô trên nằm trong chiến lược được gọi là “ngoại giao đô-la” kiểu Trung Quốc suốt thập niên qua, nhằm thu gom các nguồn tài nguyên trên toàn cầu phục vụ ngành sản xuất khổng lồ của nước này.
Đầu tư vào Brazil bộc lộ rõ chiến lược “ngoại giao đô-la” của Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc ở Brazil vọt lên tới 20 tỉ USD, gấp 10 lần tổng vốn đầu tư của nước này vào quốc gia Nam Mỹ từ trước đến nay. Trung Quốc trở thành nhà đầu tư số một của Brazil trong năm 2010, từ vị trí 29 năm 2009. Các công ty Trung Quốc đã mua cổ phần trong mạng lưới điện và xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông ở Brazil. Một vùng đất rộng hơn 2.428 km2 ở vùng hẻo lánh của Brazil đang được phía Trung Quốc đề nghị mua để trồng đậu nành. Các dự án khổng lồ của Brazil, ước tính hơn 250 tỉ USD nhằm khai thác trữ lượng dầu ngoài khơi nước này, đang được các tập đoàn Trung Quốc chú ý. Ngân hàng phát triển Trung Quốc đã cho Petrobras, nhà sản xuất dầu lớn của Brazil, vay 10 tỉ USD như “để bôi trơn” việc kinh doanh trong tương lai. Bắt đầu vào năm ngoái, Trung Quốc trở thành đối tác lớn nhất của Brazil, thay thế Mỹ.
Mục tiêu chiến lược “đi ra bên ngoài” của Trung Quốc là tìm cách đảm bảo nguồn tài nguyên cho phát triển và ngăn chặn nguy cơ tăng trưởng chậm lại của các công ty quốc doanh lớn. Với hơn 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc đã hỗ trợ các công ty nhà nước tìm kiếm cơ hội làm ăn với các đối tác nước ngoài. Ví như, Tập đoàn Sắt thép Vũ Hán đang có kế hoạch đầu tư 5 tỉ USD xây dựng nhà máy ở cảng Acu, với nguồn tài chính được vay ưu đãi từ ngân hàng Trung Quốc.
Bên cạnh mục đích kinh tế, cái mà Trung Quốc đang cần trong chiến lược “ngoại giao đô-la” là “vị thế về chính trị” trên trường quốc tế. Đầu tư của Trung Quốc cũng bùng nổ ở các nước khác, từ Peru nơi 1/3 ngành khoáng sản nằm trong tay Trung Quốc tới Nhật Bản với các vụ thôn tính và sáp nhập công ty ở đây tăng gấp 4 lần giai đoạn 2008-2009. Sự mở rộng của các doanh nghiệp Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của Nhà Trắng từ giữa những năm 2000. Khi đó, Washington cảnh báo rằng Bắc Kinh đang âm thầm xây dựng các hải cảng và tuyến đường biển ra vào Trung Đông, để bảo vệ lợi ích năng lượng và ít phụ thuộc hơn vào sự kiểm soát quân sự của Washington trên các vùng biển quốc tế. Trung Quốc đã xây mới nhiều hải cảng ở Bangladesh, Myanmar, Pakistan và Sri Lanka, những nơi “nghèo khó” bị Mỹ và phương Tây bỏ quên.
N. MINH (Theo NYT, Businessday)