14/12/2007 - 20:48

NATO thay đổi chiến lược tại Afghanistan 

Sau chuyến thăm chớp nhoáng Afghanistan hồi đầu tuần của Thủ tướng Gordon Brown, báo chí Anh loan tin Luân Đôn muốn thực thi chính sách đàm phán hòa bình với các thủ lĩnh Taliban và xem đây là sự thay đổi chiến lược trong nỗ lực làm giảm tầm ảnh hưởng của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại quốc gia vùng Trung Nam Á này. Tuy nhiên, ông Brown lập tức phủ nhận nguồn tin trên và tuyên bố không hề chủ trương trực tiếp thương lượng với tàn quân Taliban. Tuy nhiên, ông khẳng định Anh ủng hộ tiến trình “hòa hợp dân tộc” và “dân chủ hóa” với sự tham gia của tất cả các đảng phái, kể cả phe Taliban, mà chính quyền Tổng thống Hamid Karzai tiến hành trong thời gian gần đây.

 

 Thủ tướng Gordon Brown thăm và “lên dây cót” tinh thần binh sĩ Anh tại tỉnh Helmand. Ảnh: AFP 

Theo giải thích của một cố vấn an ninh trong chính phủ Anh, nhiều đối tượng Taliban thực ra chỉ là những nông dân nghèo được al-Qaeda tuyển dụng và trả lương nên phải cầm súng chống quân đội chính phủ và binh sĩ quốc tế. Do đó, nếu thuyết phục các thủ lĩnh Taliban đầu hàng và tham gia tiến trình tái thiết đất nước thì mạng lưới al-Qaeda có thể bị cô lập tại Afghanistan. Và để đảm bảo cho tiến trình “hòa hợp dân tộc” và “dân chủ hóa” của Tổng thống Karzai thành công, Thủ tướng Anh cam kết sẽ viện trợ cho Kabul 920 triệu USD trong giai đoạn 2009-2012. Một phần trong số tiền khá lớn này dự kiến dùng vào việc khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư lĩnh vực công ích, cung cấp tín dụng cho người buôn bán nhỏ, cải thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu như đường sá, cung cấp điện năng, nước sạch, dịch vụ chăm sóc y tế... Ngoài ra, ông Brown còn thông báo kế hoạch tạo 10.000 việc làm, sửa chữa 4 nhà thờ, một trường học và trung tâm thương mại ở thị trấn Musa Qala thuộc tỉnh Helmand ở miền Nam, nơi phe Taliban vừa bị thất thủ.

Theo các nhà quan sát, kế hoạch trên là sự phối hợp giữa Luân Đôn và Washington. Đây có lẽ là bước khởi đầu trong chiến lược lôi kéo tàn quân Taliban buôn súng và lấy lại lòng tin nơi người dân Afghanistan đối với sự có mặt của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy. Cần biết rằng khi Mỹ và đồng minh lật đổ chế độ Taliban, tỷ lệ dân thường Afghanistan ủng hộ liên quân không phải là nhỏ, nhưng sự phẫn nộ của công chúng ngày nay đối với lực lượng chiếm đóng lại rất lớn.

Thế nhưng, dù hăng hái chuẩn bị chiến lược mới, Thủ tướng Brown vẫn cẩn thận đề phòng khả năng bị “phản phé” bằng cách tăng cường thêm 150 xe tuần tra và máy bay lên thẳng hỗ trợ an ninh cho 7.800 lính Anh, bổ sung hơn 340 chuyên gia huấn luyện và cố vấn quân sự sang đào tạo 70.000 binh sĩ Afghanistan trong năm 2008.

Theo các nhà phân tích chiến lược, NATO rõ ràng chưa thật sự tin tưởng vào khả năng Taliban bắt tay với với chính quyền trung ương Afghanistan. Sự thay đổi chiến lược thông qua kế hoạch viện trợ tái thiết chỉ nhằm làm giảm sự chỉ trích của dư luận về sự khốn khó của dân thường Afghanistan mà NATO phải chịu trách nhiệm. Thực tế, Washington muốn tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống Taliban nên cử Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đi châu Âu thúc giục các đồng minh bổ sung binh sĩ cho Afghanistan. Do phải dồn sức tại “bãi lầy” Iraq, Lầu Năm Góc không còn khả năng chi viện cho cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt ở đây. Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết tình trạng bạo lực tại Afghanistan tăng 27% trong vòng một năm trở lại đây, và đáng sợ hơn nữa là số vụ đánh bom tự sát như ở Iraq ngày càng phổ biến.

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp từ Independent, Csmonitor, AFP)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
NATOAfghanistan