09/11/2018 - 22:21

Mỹ - Trung đàm phán hạ nhiệt căng thẳng 

Giới quan chức Mỹ - Trung Quốc đang nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao và an ninh cấp cao trong nỗ lực giải quyết bế tắc quan hệ song phương do căng thẳng thương mại và các vụ chạm trán “không an toàn” liên tục giữa hải quân hai nước ở Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Mattis (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại hội nghị an ninh ở Singapore hồi tháng 10. Ảnh: AFP

Cuộc đàm phán ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung diễn ra tại Thủ đô Washington ngày 9-11 (giờ địa phương) với sự tham dự của Ngoại trưởng  Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis của Mỹ cùng đối tác Trung Quốc là Ủy viên Quốc Vụ viện Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa.

Việc nối lại cuộc đàm phán cấp cao được đánh dấu bằng cuộc điện đàm tuần trước giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây được coi là dấu hiệu mới nhất về cơ hội bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung  sau khi vòng đàm phán trước đó vào tháng 10 bị hoãn lại trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về vấn đề thương mại, Đài Loan và Biển Đông. “Chúng tôi muốn một mối quan hệ mang tính xây dựng và hướng đến kết quả với Trung Quốc. Washington không cố gắng kiềm chế Bắc Kinh nhưng chúng tôi muốn công bằng và có đi có lại” – Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad cho biết.

Cũng theo Đại sứ Branstad, quan chức hai nước dự kiến trao đổi “cởi mở và thẳng thắn” về tình hình nhân quyền, tiến trình đàm phám với CHDCND Triều Tiên và tranh chấp Biển Đông. Hai bên cũng  thảo luận về an ninh chiến lược như hợp tác ở Afghanistan và vấn đề Iran; thúc đẩy các biện pháp tránh sai lầm hoặc tai nạn trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, trọng tâm chương trình nghị sự vẫn là cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa hai cường quốc kinh tế.

Theo giới quan sát, tiến trình đối thoại ngoại giao và an ninh cấp cao tại Washington là bước đệm nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina vào cuối tháng này. Hôm 7-11, ông Dương Khiết Trì trong cuộc gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã kêu gọi các biện pháp kiểm soát bất đồng và chuẩn bị tốt để đảm bảo cuộc họp tại Argentina đạt kết quả tích cực. Trước đó, Tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận với Chủ tịch Tập Cận Bình. Song, ông cũng cảnh báo sẵn sàng áp đợt thuế quan mới trị giá nhiều tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc trong trường hợp không có tiến bộ. Hiện Washington áp mức thuế trị giá 250 tỉ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng cách đánh thuế hầu hết sản phẩm của Mỹ.

Theo cảnh báo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, xung đột địa chính trị Mỹ-Trung “có thể tồn tại trong một thời gian”. Tình hình suy thoái không chỉ tác động tiêu cực đối với Trung Quốc và Mỹ mà còn ảnh hưởng các nền kinh tế mở khác, đặc biệt là Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Moody’s cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ mức ước tính 3,3% của năm 2018-2019 xuống dưới 2,9% trong năm 2019-2020. Trong đó, tăng trưởng năm tới ở các nền kinh tế phát triển sẽ chậm nhưng chắc, trong khi thị trường mới nổi có phần yếu hơn.

MAI QUYÊN (Theo Reuters

Chia sẻ bài viết