22/09/2021 - 22:26

Mỹ, Trung cam kết chống biến đổi khí hậu 

Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất và cũng là hai nước phát thải khí carbon hàng đầu thế giới, vừa công bố những bước đi mạnh mẽ nhằm góp phần chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Bắc Kinh không xây thêm nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài

Tổng thống Mỹ Biden phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 21-9. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Biden phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 21-9. Ảnh: AFP

“Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển năng lượng xanh và phát thải carbon thấp, đồng thời sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong bài phát biểu qua video tại cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ hôm 21-9.

Theo Hãng tin Reuters, ông Tập không nêu thông tin cụ thể, nhưng động thái mới của Bắc Kinh có thể hạn chế đáng kể nguồn tài chính cho các nhà máy nhiệt điện ở những nước đang phát triển. Tùy thuộc vào thời điểm có hiệu lực, chính sách mới của Trung Quốc có thể đóng cửa 47 nhà máy nhiệt điện than ở 20 quốc gia đang phát triển. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc cũng lặp lại các cam kết từ năm ngoái rằng nước này sẽ đạt mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 ở mức cao nhất trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060. 

Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Mỹ John Kerry đã hoan nghênh tuyên bố của ông Tập, gọi đây là một “đóng góp to lớn”. Phong trào chống biến đổi khí hậu 350.org cũng đánh giá cao phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc, cho rằng cam kết sẽ “thay đổi cuộc chơi thực sự” tùy vào thời điểm có hiệu lực. Tuy nhiên, Byford Tsang - nhà phân tích chính sách tại tổ chức tư vấn về khí hậu độc lập của châu Âu E3G - cho rằng mặc dù tuyên bố của ông Tập là bước đi lớn, nhưng điều đó không hẳn báo hiệu sự kết thúc đối với than. Lý do là bởi Trung Quốc trong năm 2020 đã đưa các nhà máy nhiệt điện than mới vào hoạt động nhiều tương đương lượng nhà máy nhiệt điện than có thể hủy bỏ ở nước ngoài. 

Trung Quốc đang chịu sức ép ngoại giao lớn là ngừng rót vốn vào các dự án nhiệt điện than ở hải ngoại, vì điều này có thể giúp thế giới đáp ứng các mục tiêu giảm lượng khí thải carbon theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Gần đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Đặc phái viên Kerry đã kêu gọi Trung Quốc dừng hỗ trợ các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài sau khi Hàn Quốc và Nhật Bản có động thái tương tự.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước phát thải carbon nhiều nhất hành tinh, vẫn còn đầu tư vào than đá, khi là nhà tài trợ lớn nhất cho các dự án than ở những nước đang phát triển như Indonesia, Bangladesh cùng với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Theo Hãng tin AFP, các tổ chức phi chính phủ khẳng định Ngân hàng Trung Quốc là ngân hàng cung cấp vốn lớn nhất cho các dự án than đá, đã chi 35 tỉ USD kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký vào năm 2015. Dữ liệu khác cho thấy Trung Quốc đã tài trợ cho 13% nhà máy điện than được xây dựng ở nước ngoài giai đoạn 2013-2019.

Washington tăng gấp đôi viện trợ về biến đổi khí hậu

Ông Tập đưa ra bài phát biểu trên chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch tăng gấp đôi viện trợ tài chính cho những nước nghèo lên 11,4 tỉ USD trước năm 2024 để họ có thể chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn và đối phó với những ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu. Nếu được quốc hội thông qua, khoản tài trợ này sẽ đưa các nước giàu tiến gần tới mục tiêu đặt ra cách đây hơn một thập kỷ là mỗi năm viện trợ 100 tỉ USD cho các nước đang phát triển để chống biến đổi khí hậu. Tính đến năm 2019, những nước giàu chỉ cung cấp 80 tỉ USD/năm.

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ tăng cam kết viện trợ khí hậu lên 11,4 tỉ USD, thì con số này vẫn còn khiêm tốn so với 24,5 tỉ USD mà mỗi năm Liên minh châu Âu chi cho viện trợ khí hậu. Joe Thwaites, chuyên gia tài chính khí hậu tại Viện Tài nguyên Thế giới, nhận định nhiều nghiên cứu tính toán rằng dựa trên nền kinh tế, dân số và lượng carbon của Mỹ, nước này lẽ ra phải đóng góp 40-47% trong số 100 tỉ USD dành cho các nước đang phát triển.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết