23/04/2009 - 07:59

Mỹ tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông

Tổng thống Obama (phải) tiếp Quốc vương Abdullah II của Jordanie tại Nhà Trắng hôm 21-4. Ảnh: AP

Nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ mời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mamoud Abbas và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tới Nhà Trắng trong 6 tuần tới. Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Obama với Quốc vương Abdullah II của Jordanie tại Washington hôm 21-4.

Theo chủ nhân Nhà Trắng, trong vài tháng tới, Israel, Palestine và các nước láng giềng A-rập cần thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Tại cuộc gặp với Quốc vương Abdullah II, ông Obama cho biết ủng hộ mạnh mẽ giải pháp “hai nhà nước” Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình. Các cuộc gặp với ba nhà lãnh đạo Trung Đông sẽ diễn ra riêng lẻ (chứ không thương lượng bàn tròn), với mục tiêu chính là đưa ra kế hoạch hành động nhằm xây dựng niềm tin giữa Israel, Paletine và các nước A-rập. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, kế hoạch đề cập tới việc buộc Israel ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Đổi lại, Washington sẽ thuyết phục Palestine và các nước A-rập ôn hòa tiến tới bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái, thậm chí Tel Aviv có thể tái lập quan hệ ngoại giao với các nước như Qatar, Oman hoặc Maroc.

Thủ tướng Netanyahu hiện vẫn từ chối tuyên bố về quyền thành lập nhà nước độc lập của người Palestine. Ngoại trưởng Avigdor Lieberman còn tuyên bố Israel sẽ rút lui khỏi tiến trình hòa bình Annapolis do cựu Tổng thống Mỹ George Bush đề xướng năm 2007. Mới đây, Giám đốc Cục Tình báo Quân đội Israel Amos Yadlin đã công khai phê phán chính sách Trung Đông của Tổng thống Obama, cho rằng việc thành lập nhà nước Palestine sẽ tạo điều kiện cho các phần tử cực đoan tiến sát hơn lãnh thổ Israel; và nhượng bộ của Tel Aviv chỉ dẫn tới bạo lực, chứ không phải hòa bình. Trong khi đó, chính quyền Obama vẫn giữ lập trường của mình. Washington xem giải pháp “hai nhà nước” là trọng tâm trong chính sách Trung Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố rằng Palestine không cần công nhận nhà nước Do Thái như điều kiện tiên quyết trước khi các cuộc thương lượng được nối lại.

Mỹ đã không giúp đạt được thỏa thuận hòa bình quan trọng nào ở Trung Đông từ thời cựu Tổng thống Jimmy Carter làm trung gian hiệp ước Israel - Ai Cập năm 1979. Nhưng những động thái gần đây cho thấy ông Obama có thể là nhà trung gian thật sự cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Chẳng hạn sau khi lên nắm quyền, ông đã gọi điện cho ông Abbas trước khi gọi cho Thủ tướng Israel khi đó là Ehud Olmert. Tổng thống Obama cũng bổ nhiệm ông George Mitchell làm đặc phái viên về Trung Đông và đến nay ông này đã có 3 chuyến công du Trung Đông. Còn việc mời các nhà lãnh đạo Israel, Palestine, Ai Cập tới Nhà Trắng cho thấy ông Obama muốn can dự vào tiến trình hòa bình ở đây ngay từ những ngày đầu nắm quyền, chứ không phải vào lúc cuối nhiệm kỳ như một số người tiền nhiệm.

N.KIỆT (Theo Reuters, Guardian, AP)

Tổng thống Obama (phải) tiếp Quốc vương Abdullah II của Jordanie tại Nhà Trắng hôm 21-4. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết