20/02/2021 - 09:12

Mỹ sẵn sàng đàm phán với Iran 

Ðảo ngược chiến dịch “gây áp lực tối đa” được cựu Tổng thống Donald Trump triển khai nhằm cô lập Iran, chính quyền mới của Mỹ hôm 18-2 tuyên bố Washington sẵn sàng trở lại con đường ngoại giao với Tehran song song việc tham gia thảo luận với nhóm các cường quốc về khả năng tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

 Ảnh: AP

Thông báo được đưa ra một ngày trước khi Tổng thống Joe Biden dự cuộc họp trực tuyến với các thành viên Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) và “phiên bản đặc biệt” của Hội nghị An ninh Munich - diễn đàn dành cho các nhà lãnh đạo toàn cầu về lĩnh vực quốc phòng. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Antony Blinken (ảnh) nhấn mạnh lập trường của ông Biden, đó là Washington sẽ quay trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu Tehran tuân thủ đầy đủ thỏa thuận.

Theo tiết lộ của quan chức Mỹ, Nhà Trắng hiện không có liên hệ chính thức nào với Iran ngoài việc thông báo cho phái bộ nước này tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Tuy vậy, Washington trong cử chỉ hòa giải đã khôi phục một số chính sách trước thời điểm cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi JCPOA năm 2018. Cụ thể, Mỹ đã hủy bỏ tuyên bố của chính quyền Trump về cái gọi là “cơ chế phản hồi” nối lại trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran. Chính quyền Biden đồng thời nới lỏng các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc đi lại của giới ngoại giao Iran tại LHQ, cơ quan có trụ sở chính ở thành phố New York. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price còn cho biết, Nhà Trắng sẽ tích cực đáp ứng bất kỳ lời mời nào từ Liên minh châu Âu (EU), tham dự tiến trình thương lượng giữa Iran và nhóm cường quốc đã đàm phán JCPOA ban đầu gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Ðức, Nga và Mỹ.

Hiện chưa rõ Iran có đồng ý tham gia đàm phán hay không, bởi điều kiện nước này đưa ra lâu nay là Mỹ phải dỡ bỏ cấm vận trước khi họ thực hiện cam kết theo JCPOA. Tờ New York Times dẫn nguồn tin nội bộ thì dự đoán Tehran sẽ cởi mở hơn nếu thảo luận thông qua các cuộc họp với EU thay vì tiến trình đàm phán mà Washington hiện diện với tư cách bên tham gia chính thức.

Trước diễn biến mới, nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết sự thay đổi của Washington là tín hiệu mở cửa cho Iran nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết, chính quyền Biden đang vấp phải phản đối từ các thành viên cấp cao đảng Cộng hòa với cáo buộc Nhà Trắng quá “nhún nhường” và lãng phí đòn bẩy gây sức ép lên Cộng hòa Hồi giáo giúp đạt thỏa thuận tốt hơn. Trong khi đó, đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Trung Ðông là Israel thì cảnh báo sẽ xem xét một loạt biện pháp đáp trả nếu Tổng thống Biden quyết định tái gia nhập JCPOA. Ngoài ra, giới phân tích cho biết vai trò chưa xác định của các cường quốc khu vực như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có thể làm phức tạp thêm tiến trình cứu vãn thỏa thuận.

Trong cảnh báo mới nhất, Iran nhắc lại Tổng thống Biden chỉ còn thời hạn đến tuần sau để thực hiện bước đi đầu tiên bằng cách đảo ngược các lệnh trừng phạt do chính quyền Trump áp đặt; hoặc Tehran sẽ cấm các thanh sát viên LHQ tiếp cận các cơ sở hạt nhân trong nước theo Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 18-2 nhấn mạnh: “Thay vì dồn trách nhiệm vào Iran, các nước châu Âu cần tuân thủ cam kết và yêu cầu chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump”. Ông khẳng định các biện pháp của Iran chỉ nhằm đáp trả các hành vi vi phạm của Mỹ, Anh, Pháp, Đức trong thỏa thuận.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết