01/03/2024 - 22:59

Mỹ quan ngại mối đe dọa không gian từ Trung Quốc 

Tướng Stephen Whiting, người đứng đầu Bộ tư lệnh Tác chiến Không gian Mỹ, trong buổi điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện hôm 29-2 cho biết, Trung Quốc đang phát triển năng lực quân sự trong không gian với “tốc độ chóng mặt” để chống lại các vệ tinh của Mỹ trên quỹ đạo cũng như cải thiện khả năng giám sát, nhắm mục tiêu vào các lực lượng trên Trái đất.

Tên lửa DF-26, “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc. Ảnh: AP

Theo Tướng Whiting, Trung Quốc đang tìm cách phát triển các loại vũ khí không gian tiên tiến, gây ra mối đe dọa chiến lược đối với các vệ tinh quân sự và dân sự của Mỹ, vốn được sử dụng cho nhiều mục đích quan trọng khác nhau. Bắc Kinh còn đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển vệ tinh khí tượng, chuyến bay vũ trụ có con người và thám hiểm không gian bằng robot. Ông Whiting cho hay, đội vệ tinh của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2018, lên mức 359 hệ thống. Trong đó, một số vệ tinh mới được Bắc Kinh triển khai có thể hoạt động như một loại vũ khí có thể phá vỡ quỹ đạo các tài sản của Washington. Ðáng chú ý, Trung Quốc cũng đang phát triển các loại vũ khí không gian tiên tiến có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ cũng như hệ thống cảnh báo tên lửa truyền thống.

Ðáng lo ngại, Trung Quốc ngày càng chú trọng vào nghiên cứu các hệ thống không gian của Mỹ nhằm tìm ra những lỗ hổng có thể bị tấn công trong một cuộc xung đột, nhanh chóng xây dựng các chương trình đe dọa cấu trúc vệ tinh của Washington. Song, các kế hoạch của Trung Quốc thường được các công nghệ lưỡng dụng, các chương trình học thuật và các nỗ lực thương mại có thể nâng cao năng lực quân sự che khuất.

Mới đây, Trung Quốc còn công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa nước này trở thành “bệ phóng” năng động thứ hai thế giới, chỉ sau SpaceX của tỉ phú Elon Musk. Theo đó, Bắc Kinh có kế hoạch thực hiện 100 vụ phóng để đưa hơn 300 tàu vũ trụ lên quỹ đạo vào năm 2024, tăng hơn 40% so với năm ngoái. Trong đó, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc sẽ thực hiện gần 70 sứ mệnh và đưa hơn 290 vệ tinh và tàu vũ trụ vào quỹ đạo. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đang nghiên cứu xây dựng một tổ hợp phóng mới ở tỉnh Hải Nam, vốn được thiết kế cho các sứ mệnh thương mại. Mặt khác, Bắc Kinh còn muốn thực hiện sứ mệnh đầu tiên đưa con người lên Mặt trăng trước năm 2030.

Cũng tại phiên điều trần, Tướng Không quân Anthony Cotton, Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM), nói rằng Trung Quốc không có dấu hiệu làm chậm tốc độ “chóng mặt” của chương trình phát triển hệ thống cung cấp vũ khí hạt nhân. Theo ông Cotton, tốc độ xây dựng năng lực hạt nhân của Bắc Kinh trong những năm gần đây là mối lo ngại lớn. Ông này cho hay, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đang đẩy nhanh việc triển khai lực lượng hạt nhân, gồm tăng mạnh số lượng tên lửa phóng từ đất liền, tàu ngầm phóng tên lửa và máy bay ném bom mới có khả năng phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Tướng Cotton lo ngại, nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân đang gia tăng do sự hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và các đối thủ khác của Mỹ, gồm Nga, Triều Tiên và Iran. “Ngày nay, Trung Quốc có thể có hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động và nếu tiếp tục chế tạo vũ khí với tốc độ hiện tại thì nước này có thể có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030” - Tướng Cotton cho biết thêm.

Về phần mình, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton trong phiên điều trần nói rằng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã mở rộng hơn 100% kể từ Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Lầu Năm Góc ước tính, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ mở rộng tới 500% trước khi hoàn tất. Trong báo cáo trước Quốc hội cách đây một năm, giới chức STRATCOM cho biết các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) chiến lược trên đất liền của Trung Quốc đã vượt qua số lượng bệ phóng ICBM Minuteman III của Mỹ. Không những vậy, Trung Quốc đang chế tạo một thế hệ ICBM cơ động mới và sở hữu 1.000 tên lửa tầm trung được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, có thể vươn tới đảo Guam (Mỹ) và các quốc gia đồng minh trong khu vực.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết