08/04/2020 - 07:15

Mỹ muốn tăng ngân sách chống Trung Quốc 

Đối phó sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa yêu cầu quốc hội bổ sung khoản ngân sách 20 tỉ USD nhằm củng cố ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hành trình trở lại Biển Đông của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vẫn chưa rõ khi thủy thủ đoàn tiếp tục bị cách ly tại Guam vì nhiễm SARS-CoV-2.

Kế hoạch chi tiêu có tên “Giành lại lợi thế” được Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gửi tới Quốc hội Mỹ vào tuần trước. Khoản ngân sách bổ sung 1,6 tỉ USD dự kiến phân bổ cho năm tài chính 2021 và 18,5 tỉ USD còn lại được dành cho giai đoạn 2022-2026. Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nga có thể thách thức lợi ích của Mỹ trong khu vực nếu Washington không có biện pháp “răn đe” hữu hiệu. Trong tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ James Inhofe xác định cán cân quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang thay đổi. Theo đó, kế hoạch chi tiêu mới được kỳ vọng đảo ngược xu hướng và bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực chiến lược này. Hồi tháng 1, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy cũng nhất trí rằng củng cố, mở rộng năng lực quân sự sẽ cung cấp cho nước này “lợi thế bất đối xứng” trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Trong kế hoạch chi tiêu mới, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đề nghị ưu tiên cải thiện hệ thống chỉ huy và năng lực cảnh báo của hải quân, không quân cùng lực lượng mặt đất; đồng thời mở rộng hoạt động huấn luyện và hợp tác tăng cường năng lực quân sự của các quốc gia đồng minh. Đáng chú ý là kế hoạch chi gần 1,7 tỉ USD xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quanh đảo Guam – căn cứ chiến lược của Mỹ nằm giữa “chuỗi đảo thứ hai” ở phía Tây Thái Bình Dương. Theo đề xuất, hệ thống phòng thủ được nâng cấp sẽ cho phép thực hiện các cuộc tấn công tầm xa với độ chính xác cao, vượt qua “chuỗi đảo thứ nhất” kéo dài từ Okinawa của Nhật Bản đến Đài Loan và Philippines. Đây cũng là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào Thái Bình Dương. Ngoài ra, Mỹ còn tập trung vào một số sáng kiến ​​mới dành cho khu vực, bao gồm triển khai lực lượng đặc nhiệm kiểm soát chiến tranh không gian mạng cùng những mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác.

Động thái của Washington được đưa ra giữa lúc tình hình khu vực có dấu hiệu bất ổn trong khi cộng đồng quốc tế vẫn đang gian nan đối phó dịch COVID-19. Hôm 6-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích hành vi gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông; đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đang lợi dụng lúc thế giới tập trung đối phó dịch bệnh để thúc đẩy các yêu sách biển bất hợp pháp.

Cụ thể hơn, cựu Giám đốc Trung tâm Tình báo hỗn hợp Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Carl Schuster chỉ rõ ý định của Trung Quốc muốn nhân lúc Lầu Năm Góc loay hoay chống dịch để nối lại hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Hiện quân đội Mỹ có hơn 1.500 trường hợp dương tính với COVID-19. Và theo Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, COVID-19 bùng phát đã làm giảm đáng kể khả năng triển khai tàu chiến của Hải quân Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Brazil Abraham Weintraub ngày 6-4 ám chỉ Trung Quốc đứng sau cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Trên Twitter, ông Weintraub cho đây là một phần trong kế hoạch “thống trị thế giới” của Bắc Kinh sau khi đặt câu hỏi bên nào sẽ củng cố thêm quyền lực sau đại dịch COVID-19. Đáp lại, đại sứ quán Trung Quốc tại Brazil chỉ trích ông Weintraub “vô lý” với phát ngôn “thiếu tôn trọng” và hành vi “phân biệt chủng tộc”. Là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, nhưng quan hệ giữa Bắc Kinh và quốc gia Nam Mỹ ngày càng căng thẳng kể từ khi COVID-19 bùng phát. Con trai Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đồng thời là một thượng nghị sĩ trước đó từng liên tục chỉ trích Bắc Kinh và còn dùng cụm từ “virus Trung Quốc” để mô tả nguồn gốc dịch bệnh.

MAI QUYÊN (Theo SCMP, Guardian)

Chia sẻ bài viết