10/04/2015 - 08:54

Mỹ muốn tái khẳng định vai trò lãnh đạo tại Caribe

Hôm 8-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Thủ đô Kingston, bắt đầu chuyến thăm chính thức Jamaica, chặng dừng chân đầu tiên của ông trước khi tới Panama dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 10-11/4. Đây được coi là nỗ lực của Washington nhằm tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ ở vùng Caribe.

Giành lại "sân sau"

Vừa đặt chân xuống sân bay Norman Manley ở Thủ đô Kingston, Tổng thống Obama đã được chào đón nồng nhiệt bởi nữ Thủ tướng Portia Simpson-Miller và các quan chức cấp cao khác của Jamaica. Đây là vị tổng thống đầu tiên của Mỹ sang thăm Jamaica kể từ năm 1982, trong lúc quốc đảo này đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính.

Nữ Thủ tướng Jamaica Portia Simpson-Miller đón Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: AP

Theo kế hoạch, trong chuyến thăm chính thức Jamaica, ông Obama sẽ gặp Thủ tướng Portia Simpson-Miller và tham dự một cuộc họp với 15 nước thành viên Cộng đồng Caribe để thảo luận các giải pháp thay thế nhằm đối phó với tình trạng sụt giảm giá dầu mỏ ở Venezuela. Các quan chức hàng đầu của chính quyền Mỹ cho biết an ninh và năng lượng sẽ là những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của ông Obama.

Giới phân tích cho rằng lý do chính khiến Mỹ dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng Caribe, nơi được coi là "sân sau" của Mỹ, là vì Washington muốn tách các quốc gia nơi đây khỏi sự ảnh hưởng dầu mỏ từ Venezuela. Ngoài ra, Washington cũng đang muốn tái khẳng định vai trò tại Caribe trong bối cảnh Trung Quốc từng bước thiết lập và mở rộng các liên minh kinh tế tại đây. Trung Quốc cung cấp tài chính cho việc xây dựng các dự án cầu đường và cơ sở hạ tầng khác tại các quốc gia thuộc Caribe trong những năm gần đây.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang tăng cường sự tập trung vào vùng Caribe. Đầu năm nay, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón các thủ tướng và quan chức hàng đầu của tất cả các nước vùng Caribe (ngoại trừ Cuba) tại Hội nghị an ninh năng lượng lần thứ nhất diễn ra ở Washington. Trọng tâm hội nghị được cho là thảo luận về cách thức để Mỹ giúp các quốc gia này "ngưng lệ thuộc dầu mỏ" từ Venezuela và tìm nguồn năng lượng thay thế.

Thúc đẩy quan hệ Mỹ- Cuba

Sau Jamaica, ông Obama bay sang Panama dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) lần thứ 7. Mọi chú ý của dư luận đang đổ dồn vào sự kiện này, nơi ông Obama dự kiến sẽ có cuộc gặp lần đầu tiên với Chủ tịch Cuba Raul Castro kể từ khi hai nhà lãnh đạo tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương hồi cuối năm ngoái.

Ngay trước thềm cuộc gặp lịch sử này, Nhà Trắng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đang ở "giai đoạn cuối" của việc xem xét đưa Cuba ra khỏi cái gọi là "danh sách các nước bảo trợ khủng bố". Một tín hiệu khác cho thấy quan hệ ngày càng ấm lên giữa hai nước là việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có thể sẽ gặp người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez bên lề hội nghị OAS.

Theo một điều tra mới công bố của Học viện Marist, khoảng 59% người Mỹ được hỏi ủng hộ việc tái thiết quan hệ giữa Mỹ và Cuba, trong khi chỉ có 26% phản đối và 15% không có ý kiến. Tính theo tỷ lệ những người gốc Mỹ La-tinh tham gia điều tra, tỷ lệ ủng hộ là 56% và phản đối là 25%. Điều tra này được tiến hành trong tháng 3 và 4 bằng cả tiếng Anh và Tây Ban Nha với 1.446 người tham gia.

THANH BÌNH (Theo AP, AFP, Reuters, Globoble)

Chia sẻ bài viết