Chiến lược quân sự mới mà Tổng thống Barack Obama vừa công bố tập trung vào mối đe dọa nghiêm trọng đang gia tăng hiện nay là các nước đối lập sẽ sử dụng những loại vũ khí ít tốn kém như mìn hay tấn công mạng, không nhằm mục đích đánh bại quân đội Mỹ trong cuộc chiến mà để giữ khoảng cách với họ.
|
Tàu chiến cao tốc loại nhỏ của Iran. Ảnh: al-Akhbar |
Ông Obama cùng những lãnh đạo an ninh quốc gia Mỹ dự đoán rằng những thách thức an ninh trong thập kỷ tới sẽ được xác định bằng mối đe dọa này, bên cạnh khủng bố và nổi loạn là hai thách thức chính hiện nay.
Ngày càng có nhiều quân đội của các nước từng bị Mỹ đánh bại đang phát triển những loại vũ khí đó nhằm làm chậm lại, quấy nhiễu và thậm chí chặn đứng một cuộc tấn công. Những kế hoạch chiến tranh hiện đại của Washington có thể bị sa vào vũng lầy của các hệ thống phòng thủ trên không, mìn, tên lửa, nghẽn mạch điện tử và tê liệt mạng, khiến giảm đi thế mạnh của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và vũ khí hạng nặng. Đây là một bài học mà các đối thủ đã rút ra được từ việc sự ủng hộ đối với Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan sụt giảm mạnh khi những xe bọc thép trị giá hàng triệu USD mỗi chiếc bị phá hủy, hay binh sĩ thương vong rất nhiều bởi những quả bom vệ đường chỉ có giá vài trăm USD.
Trung Quốc và Iran được xem là những quốc gia đi đầu phát triển “các loại vũ khí bất đối xứng” để đối đầu với quân đội Mỹ. Chiến lược an ninh mới của ông Obama nhận định những loại vũ khí rẻ tiền này đang được phổ biến rộng rãi tới tay những kẻ khủng bố và lực lượng nổi dậy chuyên tấn công kiểu du kích.
Trong những cuộc tập trận hải quân gần đây, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã thực hiện chiến thuật đánh “hội đồng” bằng các tàu chiến nhỏ và nhanh chở đầy chất nổ có sức công phá mạnh, nên nếu một trong số này kích nổ thì nó có thể chọc thủng thân của một chiếc tàu cỡ lớn của Mỹ. “Hải quân Iran, đặc biệt là lực lượng thuộc IRGC, đã đầu tư vào các loại tàu chiến và các loại vũ khí cho cuộc chiến không đối xứng, hơn là cho chiến lược xung đột tàu- đối- tàu mà Tehran chắc chắn sẽ thua”, Michael Singh, giám đốc Học viện nghiên cứu chính sách vùng Cận Đông tại Washington mới đây đã viết như vậy trên tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy). Ông Singh còn cho rằng nhờ sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga, Iran cũng đang phát triển các loại mìn tinh vi, tàu ngầm nhỏ và tên lửa hành trình chống tàu chiến.
Và theo giới phân tích, tiềm năng quân sự như thế của Trung Quốc còn mạnh hơn nhiều. Nước này có cả tàu ngầm chạy bằng điện và diesel - loại có thể hoạt động hiệu quả, không gây tiếng ồn và chạy gần bờ nhằm đe dọa tàu nước ngoài. Trung Quốc cũng phát triển tên lửa tầm ngắn, trung và xa có thể đe dọa các tàu chiến của đối thủ. Họ còn có hệ thống radar và tên lửa đất đối không đặt dọc theo các bờ biển. Tìm kiếm, nhận dạng và tấn công tàu chiến Mỹ là một nhiệm vụ phức tạp, nhưng hệ thống phòng thủ dày đặc của hải quân nước này có thể buộc những hàng không mẫu hạm và các đơn vị tác chiến khác của Lầu Năm Góc phải hoạt động ở xa Trung Quốc hàng trăm dặm. Nhưng có lẽ mối lo ngại lớn nhất của Mỹ là việc Trung Quốc đang tập trung phát triển chiến tranh điện tử và tấn công mạng, điều có thể làm giảm độ chính xác của các vũ khí tiên tiến được vệ tinh dẫn đường.
“Chúng ta phải đầu tư vào khả năng tác chiến ở những môi trường mà kẻ thù đang tìm cách cản trở chúng ta tiếp cận” - ông Obama phát biểu trong buổi giới thiệu chiến lược an ninh mới tại Lầu Năm Góc. Đây là một trong 10 nhiệm vụ hàng đầu của quân đội Mỹ trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
Hiện tại, để chống lại các mối đe dọa trên, không quân và hải quân Mỹ vừa thành lập một cơ quan chuyên phát triển các chiến thuật và vũ khí cho cái mà họ gọi là không-hải chiến.
THANH DƯƠNG (Theo New York Times)