14/06/2024 - 09:41

Mỹ ký thỏa thuận an ninh với Ukraine 

Ðài CNN dẫn các nguồn thạo tin cho biết Mỹ và Ukraine đã ký một hiệp ước an ninh song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Ý vào ngày 13-6, trong nỗ lực tiếp sức Kiev trong cuộc chiến với Nga.

Tổng thống Mỹ Biden (phải) có kế hoạch gặp người đồng cấp Ukraine Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý. Ảnh: AP

Thỏa thuận này, diễn ra sau nhiều tháng đàm phán giữa hai nước, bao gồm việc Mỹ cam kết tiếp tục huấn luyện lực lượng vũ trang Ukraine trong 10 năm, tăng cường hợp tác trong sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự, tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo nhiều hơn. Mỹ cũng sẽ cố gắng giúp xây dựng sức mạnh răn đe lâu dài của Ukraine trên các lĩnh vực khác nhau, gồm trên không, trên biển và trên mạng. Ngoài ra, Washington hứa sẽ tổ chức các cuộc tham vấn cấp cao với Kiev ngay sau cuộc tấn công trong tương lai của Mát-xcơ-va để xác định các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, thỏa thuận song phương kể trên sẽ không bao gồm điều khoản phòng thủ chung, trong đó chứa đựng cam kết của Mỹ bảo vệ Ukraine về mặt quân sự trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công khác. Trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan nghênh các cam kết song phương, ông đã nhiều lần nói rằng chúng không thay thế cho tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đầy đủ, vốn có điều khoản phòng thủ chung. Thỏa thuận mới cũng không đưa ra bất kỳ cam kết nào về triển vọng Ukraine gia nhập NATO.

Theo các nguồn tin, cam kết này chỉ​​ là một “thỏa thuận”, khiến nó ít trang trọng hơn một hiệp ước và không nhất thiết mang tính ràng buộc đối với bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong tương lai. Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức thừa nhận rằng ông Donald Trump nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 hoặc bất kỳ tổng thống nào trong tương lai đều có thể rút khỏi thỏa thuận.

Dù vậy, đây sẽ là khuôn khổ cho nỗ lực lâu dài của Mỹ nhằm giúp phát triển lực lượng vũ trang Ukraine.

Cam kết của Mỹ dành cho Ukraine sẽ tương tự như 14 thỏa thuận song phương mà Kiev đã đạt được với các đồng minh khác, bao gồm Anh, Pháp và Đức. Thỏa thuận Mỹ - Ukraine là thỏa thuận thứ 15 được ký kết, trong khi 17 quốc gia khác đã cam kết đàm phán các hiệp ước an ninh song phương tương tự với Ukraine.

Thỏa thuận mới ra đời ở thời điểm quan hệ Mỹ - Ukraine bắt đầu ấm lên sau khi chùn xuống vào cuối năm ngoái và đầu năm nay khi gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỉ USD cho Ukraine bị kẹt ở Quốc hội Mỹ. Mãi đến tháng 4, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện mới chịu phê duyệt gói viện trợ bổ sung này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây cũng đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Mở khóa tài sản bị phong tỏa của Nga

Một quan chức thuộc Văn phòng Tổng thống Pháp ngày 12-6 cho biết các nhà lãnh đạo nhóm G7 đã đồng ý cung cấp cho Ukraine 50 tỉ USD thông qua việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga vào cuối năm nay.

Theo đó, các lãnh đạo G7 nhất trí về một thỏa thuận sử dụng lợi nhuận từ tiền lãi của số tài sản 300 tỉ USD bị đóng băng của Nga, làm tài sản thế chấp để cung cấp cho Ukraine khoản vay lên tới 50 tỉ USD. Thỏa thuận này dự kiến được công bố tại Hội nghị G7 diễn ra ở Ý. 50 tỉ USD sẽ được dùng để tái thiết cơ sở hạ tầng bị tàn phá của Ukraine và khoản vay này sẽ được hoàn trả bằng tiền lãi kiếm được từ các tài sản bị đóng băng của Nga.

Trong hai năm qua, nhóm gồm những quốc gia giàu nhất thế giới này đã tranh luận về cách giải quyết khối tài sản 300 tỉ USD bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga, với phần lớn được giữ trong các tổ chức tài chính ở châu Âu sau khi xung đột với Ukraine nổ ra vào năm 2022. Chính quyền ông Biden từng muốn thẳng tay tịch thu tài sản Nga, song ý tưởng này thất bại do châu Âu lo ngại rằng nó sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

 

Chia sẻ bài viết