29/09/2012 - 08:52

Mỹ kêu gọi châu Á giải quyết tranh chấp trong hòa bình

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton một lần nữa lên tiếng kêu gọi các nước châu Á giải quyết các cuộc tranh chấp hải đảo trên Biển Hoa Đông và Biển Đông một cách bình tĩnh và hòa bình, nhưng những cuộc "khẩu chiến" giữa các bên liên quan vẫn xảy ra hết sức gay gắt tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ).

Mỹ muốn hòa giải cho hai đồng minh Nhật-Hàn

Ngoại trưởng Nhật Bản Gemba (phải) và người đồng nhiệm Hàn Quốc Sung-hwan gặp nhau tại New York hôm 27-9. Ảnh: Kyodo 

Ngoại trưởng Mỹ Clinton ngày 28-9 đã có cuộc gặp tay ba với hai người đồng nhiệm đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc là Koichiro Gemba và Kim Sung-hwan. Hãng tin Anh Reuters cho biết Washington hy vọng có thể làm trung gian hòa giải cho hai đồng minh châu Á này của mình về vấn đề tranh chấp đảo đá Takeshima theo cách gọi của Tokyo và Dokdo theo cách gọi của Seoul nằm ở vùng biển chồng lấn giữa hai nước.

Trước khi bà Clinton tổ chức cuộc gặp quan trọng này, ngoại trưởng của Nhật và Hàn Quốc đã có cuộc gặp song phương tối 27-9 (giờ địa phương). Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ông Sung-hwan đòi Nhật Bản "phải hiểu đúng và thừa nhận các vấn đề của lịch sử". Hai nhà lãnh đạo cũng đã "tái khẳng định sự cần thiết phải phát triển mối quan hệ song phương cũng như tiếp tục đối thoại có hiệu quả thông qua kênh ngoại giao giữa hai nước".

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP bên lề hội nghị ĐHĐ LHQ sáng cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Sung-hwan nói: "Khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đảo Dokdo là lãnh thổ của họ, thì nhân dân Hàn Quốc coi đó là một âm mưu mới xâm lược đất nước của chúng tôi". Ông Sung-hwan cáo buộc Nhật Bản sử dụng "tiêu chuẩn kép" trong vấn đề tranh chấp hải đảo, khi không đồng ý đưa chuyện Dokdo ra Tòa án Công lý Quốc tế theo yêu cầu của Hàn Quốc nhưng lại muốn dùng biện pháp này trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cũng như lập trường của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda trong vấn đề hải đảo trên Biển Hoa Đông với Trung Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Sung-hwan tuyên bố: "Seoul sẽ không bao giờ thỏa hiệp hay thay đổi lập trường của mình rằng Dokdo là phần lãnh thổ không thể tranh chấp của Hàn Quốc".

Vẫn còn những "cái đầu nóng" từ Trung Quốc

Bên lề cuộc họp của ĐHĐ LHQ trưa 27-9, bà Clinton đã tiếp xúc với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và thúc giục Bắc Kinh cũng như Tokyo phải giữ "cái đầu lạnh" trên bàn đàm phán để làm lắng dịu tình hình sục sôi trên Biển Hoa Đông. "Chúng tôi tin rằng Nhật Bản và Trung Quốc có đủ khả năng và tính kiên trì để trực tiếp làm việc với nhau nhằm làm giảm căng thẳng, đây là thông điệp của chúng tôi cho cả hai bên"- bà Clinton nói.

Theo Reuters, tại cuộc gặp này, Ngoại trưởng Mỹ cũng đề cập đến các cuộc tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Bà hoan nghênh những dấu hiệu tích cực gần đây của Trung Quốc khi nước này chấp nhận các cuộc đối thoại không chính thức với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề Biển Đông tại Campuchia cách đây 2 tuần, đồng thời hy vọng các cuộc gặp như vậy sẽ được tiếp tục diễn ra, đạt bước tiến sâu rộng hơn nhân Hội nghị cấp cao Đông Á vào tháng 11 tới. Trước đây, Bắc Kinh phản đối yêu cầu của Washington và một số nước Đông Nam Á tiến hành đàm phán đa phương trong vấn đề Biển Đông, mà chỉ muốn các cuộc đối thoại tay đôi với từng nước yếu thế hơn.

Tuy nhiên, trong bài diễn văn trước ĐHĐ LHQ cuối ngày 27-9, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì lại lên tiếng tố Nhật Bản "vi phạm thô bạo" chủ quyền của Trung Quốc bằng cách mua lại các hòn đảo ở Điếu Ngư/Senkaku. Ông Dương Khiết Trì khẳng định bước đi này của Tokyo là "hoàn toàn bất hợp pháp và vô giá trị", đồng thời nhấn mạnh: "Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản phải chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc cũng như phải có những hành động cụ thể để sửa chữa các sai lầm của mình". Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông thì gọi việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo đang tranh chấp chẳng khác nào hành vi "rửa tiền", đồng thời cho nó là "sự cưỡng đoạt tài sản" của Trung Quốc.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết