Chính phủ Mỹ vừa liệt 8 băng nhóm tội phạm ở Mỹ Latinh vào danh sách “tổ chức khủng bố toàn cầu”. Trong số này có 2 nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất Mexico, khiến một số người lo ngại rằng đây có thể là bước đầu tiên hướng tới các cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào lãnh thổ quốc gia láng giềng.

Các thành viên băng nhóm tội phạm Cartel de Jalisco Nueva Generacion. Ảnh: El Pais
Trong thông báo đăng tải trên Công báo Liên bang ngày 19-2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết 8 băng nhóm nêu trên đã thực hiện hoặc có nguy cơ thực hiện “các hành vi khủng bố đe dọa đến an ninh của công dân Mỹ hoặc an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hoặc nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
Các nhóm này gồm Cartel de Sinaloa, Cartel de Jalisco Nueva Generacion (2 nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất Mexico), Tren de Aragua, Mara Salvatrucha, Carteles Unidos, Cartel de Noreste, Cartel del Golfo và La Nueva Familia Michoacana.
Nhiều người nhập cư đi qua Mexico và các nước khác ở Mỹ Latinh buộc phải nộp phí và “thuế” cho các băng đảng tội phạm. Mặc dù thực hiện các hành vi bạo lực và cưỡng đoạt, những nhóm này hành động vì lợi ích kinh doanh, thay vì mang động cơ chính trị hoặc ý thức hệ - những điều thường được quy cho các tổ chức khủng bố.
Ý đồ của ông Trump
Một số chuyên gia nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng ngôn ngữ mở trên để biện minh cho các quyền hạn và chính sách rộng lớn của ông trước đây vốn bị coi là vượt giới hạn, chẳng hạn như các cuộc tấn công quân sự vào lãnh thổ Mexico hoặc tước quyền tố tụng hợp pháp của người di cư.
Nhà Trắng thường sử dụng các mô tả về tình trạng di cư bất hợp pháp như một “cuộc xâm lược” để thúc đẩy cách tiếp cận cứng rắn đối với vấn đề nhập cư.
Việc gắn mác khủng bố trên sẽ không cho phép Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự ở Mexico, nhưng nó làm dấy lên lo ngại rằng đây có thể là bước đi đầu tiên hướng đến hành động đó.
“Ông Trump trước đây đã cáo buộc Chính phủ Mexico lập một liên minh không thể chấp nhận được với các băng đảng. Điều này có nghĩa Mỹ hiện tin rằng Chính phủ Mexico đang hợp tác với khủng bố?”, Stephanie Brewer, Giám đốc chương trình Mexico tại Văn phòng Washington về Mỹ Latinh (trụ sở ở Mỹ), hoài nghi.
Sau thông báo trên Công báo Liên bang, Elon Musk, người giàu nhất thế giới và là đồng minh của ông Trump, cho rằng sắc lệnh này có nghĩa là các băng nhóm hiện đã “đủ điều kiện để hứng chịu các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái”.
Việc chỉ định trên đánh dấu sự thay đổi trong nhận thức của các cơ quan Mỹ về mối đe dọa từ một số nhóm tội phạm có tổ chức và báo hiệu vai trò lớn hơn của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng như quân đội xứ cờ hoa.
Ron Johnson, người được ông Trump chọn làm tân Đại sứ Mỹ tại Mexico, từng làm Đại sứ tại El Salvador giai đoạn 2019-2021 và trước đó có nhiều năm hoạt động trong CIA và quân đội Mỹ. Ông là cựu lính Mũ nồi xanh, một đơn vị quân đội tinh nhuệ của Mỹ chuyên tiến hành các hoạt động bí mật ở nước ngoài.
Ông Trump đã đề xuất ném bom các phòng thí nghiệm ma túy và được cho là đã thảo luận về việc cử lực lượng đặc nhiệm tiêu diệt các thủ lĩnh băng đảng ở Mexico.
Kể từ khi ông Trump trở lại nắm quyền, quân đội Mỹ đã tăng cường giám sát trên không đối với các băng đảng ma túy dọc biên giới Mỹ - Mexico, trong khi CIA đã đẩy mạnh các chuyến bay không người lái trên lãnh thổ Mexico để truy tìm các phòng thí nghiệm chất gây nghiện fentanyl.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)